Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác của Trung ương làm việc tại huyện Krông Pắc về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW

21:02, 23/11/2022

Chiều 23/11, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW do đồng chí Y Thanh Hà Niê Kdăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã làm việc với Huyện ủy Krông Pắc nhằm khảo sát, đánh giá kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: H’Kim Hoa Byă, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Y Giang Gry Niê Knơng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pắc.

đồng chí Y Thanh Hà Niê Kdăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kdăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Trong 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình số 19-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nghiêm túc từ huyện đến cơ sở. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Đoàn công tác làm việc tại huyện Krông Pắc.
Đoàn công tác làm việc tại huyện Krông Pắc.

Kết quả thực hiện chính sách xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, các chương trình của Chính phủ được triển khai thực hiện nghiêm túc. Từ Chương trình 135 với tổng kinh phí thực hiện gần 54 tỷ đồng, nhiều hạng mục công trình giao thông nông thôn, trường học, chợ, thủy lợi, điện sinh hoạt… được đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Toàn huyện còn có 1.379 hộ được giải quyết đất ở và đất sản xuất theo Quyết định 132/2002/QĐ-TTg; 1.340 hộ được hỗ trợ đất ở, 1.886 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 2.541 hộ được hỗ trợ về nhà ở và 2.700 hộ được hỗ trợ về nước sinh hoạt theo Chương trình 134.

Đến cuối năm 2021, tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 9,06%; thu nhập bình quân đầu người đạt 48,81 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư chuyển dịch tích cực; năng lực sản xuất và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được nâng cao. Đến nay, 94% tuyến đường xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 70% đường thôn, liên thôn được bê tông hóa; 100% thôn buôn, 100% số hộ được dùng điện. Toàn huyện có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thành viên đoàn công tác nêu ý kiến tại buổi làm việc.
Thành viên đoàn công tác nêu ý kiến tại buổi làm việc.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã đa dạng các hình thức tập hợp nhân dân, đoàn viên, hội viên. Nội dung hoạt động của công tác dân vận – mặt trận ngày càng phong phú, thiết thực, sát với yêu cầu thực tiễn đặt ra; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến trao đổi một số nội dung đoàn công tác quan tâm.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến trao đổi một số nội dung Đoàn công tác quan tâm.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đã cùng trao đổi, làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến công tác tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện đặc thù của huyện; các đề xuất, kiến nghị của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 23 trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kdăm đã ghi nhận sự chủ động, tích cực của hệ thống chính trị cùng những chuyển biến rõ nét trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội huyện Krông Pắc 20 năm qua. Đồng chí cũng đề nghị huyện Krông Pắc tiếp tục vận dụng sáng tạo Nghị quyết 23; tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo nhằm ổn định an ninh chính trị; tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc để chung tay phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát huy thế mạnh nông nghiệp tại địa phương.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.