Multimedia Đọc Báo in

Xây nền vững chắc từ củng cố “hạt nhân” chính trị ở cơ sở

07:41, 23/11/2022

Là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của công tác xây dựng Đảng, những năm qua, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm, chú trọng. Vai trò “hạt nhân” chính trị ở cơ sở không ngừng được phát huy, góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc cho Đảng.

Kiện toàn, sắp xếp các loại hình TCCSĐ

Đảng bộ tỉnh hiện có 20 đảng bộ trực thuộc, với 704 TCCSĐ, trên 85.470 đảng viên, sinh hoạt tại 5.151 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Xác định TCCSĐ là “hạt nhân” chính trị ở cơ sở, nhiều năm qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã tập trung xây dựng, kiện toàn, sắp xếp các loại hình TCCSĐ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ. Đặc biệt, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2/2/2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc kiện toàn, sắp xếp các TCCSĐ theo từng loại hình, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn.

Các đảng bộ đã chuyển 1.357 đảng viên thuộc 88 chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn về tăng cường cho các thôn, buôn, tổ dân phố có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người dân tộc thiểu số, có đạo chiếm tỷ lệ cao, nơi đảng viên còn mỏng... Đồng thời, chuyển 15 TCCSĐ các chi cục thuế từ trực thuộc cấp ủy cấp huyện về trực thuộc Đảng bộ Cục thế tỉnh.

Nhân viên Chi cục Thuế huyện M'Drắk kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo về tổ chức và hoạt động của chi bộ quân sự, công an cấp xã, đến nay 184/184 xã, phường, thị trấn có chi bộ quân sự, trong đó 169 chi bộ quân sự có cấp ủy. Sau khi thành lập lực lượng công an xã chính quy theo Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 30/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tại 15 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập 184 chi bộ công an cấp xã với 1.338 đảng viên là công an chính quy đang sinh hoạt.

Cùng với thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh, cấp ủy đảng các huyện, thị xã, thành phố và Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã kịp thời chỉ đạo chuyển đổi mô hình hoạt động của TCCSĐ trong các doanh nghiệp cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình doanh nghiệp.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Đình Hoàng cho biết: Công tác xây dựng, kiện toàn tổ chức đảng được Ban Thường vụ Đảng ủy Khối và các TCCSĐ đặc biệt quan tâm. Trong năm 2021 và 2022, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã quyết định hợp nhất 5 chi bộ cơ sở thành đảng bộ cơ sở, cho chủ trương thành lập 4 đảng bộ bộ phận trực thuộc 2 đảng bộ cơ sở, nâng cấp 1 chi bộ cơ sở thành đảng bộ cơ sở... Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng không chỉ góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của TCCSĐ, đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm nòng cốt để phát triển tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức đoàn thể mà còn tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Phát huy vai trò “hạt nhân”

Sau khi được tăng cường 7 công an xã chính quy, Đảng ủy xã Cư Ni (huyện Ea Kar) đã phối hợp thành lập Chi bộ công an xã. Từ khi được thành lập, chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng công an xã chính quy và 22 công an viên các thôn, buôn thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và giữ mối liên hệ với chính quyền, đoàn thể, người dân địa phương. Thiếu tá Nguyễn Đức Dũng, Bí thư Chi bộ, Trưởng Công an xã Cư Ni cho biết: Chi bộ đã tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nghị quyết, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Đồng thời, tham mưu cho Đảng ủy xã triển khai mô hình camera giám sát an ninh trật tự bằng hình thức xã hội hóa, huy động người dân, doanh nghiệp đóng góp trên 250 triệu đồng, lắp đặt được trên 30 mắt camera ở các trục đường chính, khu vực đông dân cư. Nhờ vậy, đã bắt giữ được nhiều đối tượng sử dụng vũ khí tự chế, trộm cắp, trả lại tài sản cho người dân.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui (huyện Krông Bông) Nguyễn Văn Tâm (bìa phải) gặp gỡ, nắm bắt tình hình hoạt động của Chi bộ thôn Ea Uôl.

Hay như tại thôn Ea Uôl (xã Cư Pui, huyện Krông Bông). Toàn thôn hiện có 386 hộ, hơn 2.000 khẩu, trên 99% là người dân tộc Mông. Từ chỗ “trắng” đảng viên tại chỗ, “trắng” chi bộ, đến nay, chi bộ thôn Ea Uôl đã có 4 đảng viên tại chỗ và 2 đảng viên tăng cường. Theo Bí thư Chi bộ thôn Ea Uôl Hoàng Văn Thề, mặc dù số lượng đảng viên của chi bộ còn mỏng, chưa đủ để thành lập cấp ủy, nhưng chi bộ đã chú trọng phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của các đảng viên, phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc thảo luận, xây dựng nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Chi bộ đã chỉ đạo ban tự quản và các đoàn thể tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Những diện tích trồng sắn kém hiệu quả đã được người dân chuyển đổi sang trồng dứa. Những vùng đất đồi trước kia bỏ hoang cũng đã được phủ kín rừng trồng. Kinh tế phát triển, người dân chăm lo cho con cái học hành, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn cho biết, hiện 100% TCCSĐ đã xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, chi bộ, bám sát chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện thực tế của từng tổ chức đảng. Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn mô hình TCCSĐ gắn với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy; đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trong các loại hình TCCSĐ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, ngày càng phát huy hiệu quả; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.