Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022

15:10, 29/12/2022

Sáng 29/12, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và các đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có đồng chí Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo ban tổ chức các huyện ủy thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc.

hfgh
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, trong năm 2022, với quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã có nhiều nỗ lực tham mưu, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác tổ chức xây dựng Đảng; tập trung tham mưu, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ các đề án, nhiệm vụ trình cấp ủy các cấp; hoàn thành 100% các đề án theo Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII; triển khai xây dựng và hoàn thành hơn 600 đề án, nhiệm vụ về công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Ngành Tổ chức xây dựng Đảng cũng tập trung tham mưu triển khai công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ, biên chế của hệ thống chính trị, thực hiện tinh giản biên chế vượt mục tiêu đề ra; sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong; triển khai chủ trương của Đảng về mô hình chính quyền đô thị.

Ban Tổ chức Trung ương đã xem xét, phê duyệt quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031 đối với 45/120 địa phương, cơ quan, đơn vị và 1.019 lượt cán bộ diện Trung ương quản lý. Ban Tổ chức cấp ủy các cấp đã tham mưu cấp ủy phê duyệt quy hoạch ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031 đối với 4.113 lượt cán bộ; phê duyệt quy hoạch ủy viên ban thường vụ cấp tỉnh đối với 1.219 lượt cán bộ. Các quy định về công tác cán bộ tiếp tục được hoàn thiện, tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền.

Các đồng chí chủ trì hội nghị toàn quốc tại điểm cầu Trung ương. (Ảnh chụp màn hình)

Thực hiện công tác xây dựng củng cố tổ chức cơ sở đảng, phát triển đội ngũ đảng viên, tính đến ngày 5/12, toàn Đảng có 51.827 tổ chức cơ sở đảng (tăng 46 tổ chức so với năm 2021), đã kết nạp 120.307 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên hơn 5,3 triệu người. Toàn ngành cũng đã tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức xây dựng Đảng ở các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng biểu dương những kết quả toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã đạt được trong năm 2022. Đồng chí nhấn mạnh: Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đồng bộ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 3 nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược về công tác xây dựng Đảng nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong đó, toàn ngành phải chủ động, tập trung tập trung nghiên cứu, tham mưu cho các cấp ủy triển khai tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ các nội dung công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là 2 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị; tham mưu quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2026 - 2031, thành lập các tiểu ban Đại hội XIV của Đảng; triển khai tổng kết 15 năm thi hành Điều lệ Đảng.

dfgf
Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk tham dự hội nghị. 

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu ngành Tổ chức xây dựng Đảng triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, lợi ích nhóm, quan liêu, xa dân, phát huy vai trò của người đứng đầu, góp phần tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ. Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, nâng cao chất lượng đảng viên, thường xuyên rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế theo vị trí việc làm. Tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm chuyển tiếp, liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.

Các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm, coi trọng, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, công tâm, khách quan trọng thực thi nhiệm vụ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Nhân dịp này, đồng chí Võ Văn Thưởng đã trao Huân chương Hồ Chí Minh cho đồng chí Tô Huy Rứa, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.