Multimedia Đọc Báo in

Tập trung phát huy dân chủ trong Đảng

08:03, 03/02/2023

Một trong ba giải pháp đột phá của công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng là “phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ”.

Cụ thể hóa giải pháp này, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tập trung phát huy dân chủ trong Đảng, nhất là trong sinh hoạt đảng và công tác cán bộ.

Chi bộ thôn Ea Bar (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) mới chỉ có 7 đảng viên, trong đó có 6 đảng viên tại chỗ và 1 đảng viên tăng cường. Do chưa có cấp ủy nên để phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, trước mỗi kỳ sinh hoạt, bí thư chi bộ trao đổi trước với đồng chí ủy viên ban thường vụ đảng ủy xã phụ trách địa bàn, thống nhất các nội dung, định hướng quan trọng.

Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế của thôn để chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề như: phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ trong xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở...

Lãnh đạo Đảng ủy xã Cư Pui và Bí thư Chi bộ thôn Ea Bar (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) khảo sát mô hình chuyển đổi sang trồng keo của người dân.

Bí thư Chi bộ thôn Ea Bar Hà Thị Hồng cho biết: Tại mỗi buổi sinh hoạt, các nghị quyết hằng tháng, năm, chuyên đề đều được đảng viên trong chi bộ trực tiếp thảo luận, phân tích, đánh giá rõ thực trạng, đề ra những giải pháp và phân công phụ trách từng đầu công việc.

Ví dụ như việc xây dựng và triển khai nghị quyết về lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chi bộ. Sau khi ban hành nghị quyết, Bí thư Hồng là người đi đầu trong triển khai thực hiện, từ việc đưa cây bắp lai, lúa lai vào sản xuất đến chuyển hướng sang trồng dứa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để xử lý ra hoa trái vụ rồi khuyến khích các đảng viên khác nhân rộng mô hình, làm cơ sở cho người dân học tập, nhân rộng.

Những vùng đất đồi trồng cây sắn trước kia được người dân chuyển đổi sang trồng keo, dứa. Đến nay, toàn thôn đã phát triển được 150 ha dứa, 300 ha keo.

Thu nhập tăng lên, đời sống của người dân ngày càng phát triển nên các chủ trương, nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, xã hội hóa giáo dục đều nhận được sự đồng thuận cao, bộ mặt của thôn ngày càng thay đổi.

Các phong trào thi đua rộng khắp mọi lĩnh vực cũng tạo điều kiện cho quần chúng rèn luyện, phát huy và tạo nguồn cho chi bộ phát triển tổ chức đảng.

Việc đổi mới cách thức, nội dung sinh hoạt chi bộ, phát huy dân chủ trong thảo luận, bàn bạc, đưa ra phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo, nghị quyết chuyên đề gắn với thực tế của địa phương đã nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Một buổi sinh hoạt của Chi bộ thôn 14 (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp).
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ thôn 14 (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp).

Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, bên cạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ và xem đây là nhiệm vụ “then chốt”.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thượng Hải, để đổi mới và phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, thời gian qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cụ thể hóa và triển khai các quy định, kết luận của Trung ương về công tác cán bộ, tạo môi trường, điều kiện để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, khoa học, sát thực tiễn.

Đáng chú ý, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 19/5/2022 về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Các cấp ủy đã dành nhiều công sức củng cố, sắp xếp, kiện toàn, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy của cả hệ thống chính trị. Tỉnh ủy đã thực hiện bí thư huyện ủy không phải là người địa phương tại 15 huyện, thị xã, thành phố; tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, phòng...

Cấp ủy các cấp đã phát huy dân chủ trong công tác tạo nguồn, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương; thực hiện luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử bảo đảm quy định; giải quyết dứt điểm những trường hợp bổ nhiệm chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.