Tầm vóc tư tưởng từ Cương lĩnh của Đảng về văn hóa
Năm 2023 này đánh dấu mốc quan trọng cho sinh nhật 80 năm của Đề cương về Văn hóa Việt Nam. 80 năm đủ minh chứng cho sức sống, tầm trí tuệ của Đảng đối với một văn kiện chính thức đầu tiên được coi như Cương lĩnh về văn hóa, đặt nền tảng tư tưởng - lý luận cho xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khoa học, đại chúng, cách mạng và hội nhập quốc tế.
Ngược dòng lịch sử 80 năm trước càng thấy được giá trị khởi nguồn và động lực phát triển của Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được thông qua vào tháng 2/1943.
Đó là bối cảnh chế độ thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng; là cuộc đấu tranh “phản đế”, “phản phong”, đẩy mạnh cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phát xít, thực dân, phong kiến tay sai, xóa bỏ mọi áp bức bất công, giành chính quyền về tay nhân dân.
Với việc xác định ba nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam là: dân tộc, đại chúng và khoa học, Đề cương như liều thuốc tinh thần vô giá cho nhiều văn nghệ sĩ đương thời trước căn bệnh khủng khoảng, mất phương hướng, hoài nghi, bế tắc; để rồi thức tỉnh, định hướng về trách nhiệm xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đảng đã đúc kết, khái quát bản sắc, truyền thống văn hóa của Việt Nam thành các nguyên tắc vừa mang tính phổ quát của nhân loại, vừa thể hiện nét riêng biệt của văn hóa dân tộc.
Ảnh minh họa: Hữu Nguyên |
80 năm, đi qua những thăng trầm của lịch sử, dòng chảy văn hóa vẫn luôn có sự dẫn đường và hiện hữu của những tư tưởng trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Với kim chỉ nam ấy, Đảng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Văn hóa đã đóng góp to lớn vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Văn hóa, văn học, nghệ thuật đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng. Văn hóa được bảo tồn, phát huy; từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; đồng thời đang dần vươn ra thế giới với nhiều giá trị, sản phẩm độc đáo được quốc tế trân trọng và đón nhận.
Hội nhập quốc tế, để văn hóa hòa nhập nhưng không hòa tan, việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, ngăn chặn những “luồng khí độc”, đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội cần một chương trình tổng thể trong bảo tồn, phát triển, khơi thông các nguồn lực, khơi dậy và phát huy các tài nguyên văn hóa.
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam mới đây đã mở ra nhiều kỳ vọng. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần khẩn trương tổng kết các chương trình về phát triển văn hóa trước đây, đặc biệt là Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020; nghiên cứu các ý kiến tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; chủ trì phối hợp để xây dựng đề xuất về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Thường trực Chính phủ trước ngày 30/6/2023. Đó là những chỉ đạo mang tầm chiến lược, nhưng bắt nhịp với dòng chảy của xã hội, của thời cuộc, trong tình hình mới hiện nay cần xây dựng được thể chế văn hóa trong xã hội số; hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam; chuẩn mực về văn hóa trong công sở, của công chức, cộng đồng; quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trong môi trường số.
Thuận Thành
Ý kiến bạn đọc