Multimedia Đọc Báo in

Nghị quyết 05: Thêm động lực cho Buôn Ma Thuột vươn tầm

06:20, 30/04/2023

Với nhiều giải pháp, cơ chế cụ thể, Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 19/4/2021 của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã tạo thêm động lực để Buôn Ma Thuột vươn tầm trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.

Nhiều cơ chế ưu tiên, phân quyền cụ thể

Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật cho biết, Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể liên quan đến công tác quy hoạch, huy động nguồn lực, đề nghị Trung ương bố trí vốn... cho xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột.

Trong đó có nội dung cụ thể về thực hiện phân cấp nguồn vốn đầu tư hạ tầng cơ sở bổ sung cho thành phố và bổ sung tăng thêm 60% định mức chi theo tiêu chí dân số để thực hiện Kết luận số 67-KL/TW cho lĩnh vực kinh tế và môi trường.

Việc xây dựng cơ chế cụ thể giữa tỉnh Đắk Lắk với TP. Buôn Ma Thuột theo Nghị quyết số 05 không chỉ thể hiện trách nhiệm của tỉnh đối với sự phát triển chung của thành phố mà còn phân cấp, trao quyền tự chủ, tự quyết để thành phố vươn tầm về mọi mặt.

Buôn Ma Thuột trong ngày hội lớn. Ảnh: Hữu Hùng

Trên cơ sở Nghị quyết số 05, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết quyết định tăng thêm định mức chi theo tiêu chí dân số cho thành phố mỗi năm khoảng 37 tỷ đồng kể từ năm 2022; phân cấp cho thành phố được hưởng 100% nguồn thu tiền sử dụng đất để thực hiện đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, đô thị trên địa bàn từ năm 2022 - 2025, mỗi năm khoảng 306 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương cũng trích 20% số tiền thu từ sử dụng đất đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố với số kế hoạch khoảng 1.192 tỷ đồng.

Đào tạo nghề điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho sự phát triển của TP. Buôn Ma Thuột. 

Tỉnh cũng đã phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng cho thành phố. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố được quyết định đầu tư đối với các dự án có cấu phần xây dựng dưới 100 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh thay vì dưới 50 tỷ đồng như trước đây và có thẩm quyền tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật sau thiết kế cơ sở của dự án theo dự án đầu tư được tỉnh phân cấp.

 

“Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy và các nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội đã tạo điều kiện, động lực cho TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục phát triển nhanh, bền vững theo đúng mục tiêu đề ra tại Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị, tạo cơ chế thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh xây dựng Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên” - Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật.

Bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ trên, tỉnh cũng đang vận động 3 dự án ODA giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 893 tỷ đồng gồm: Dự án đầu tư trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trên 252,3 tỷ đồng, Dự án tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chất lượng cao 292,8 tỷ đồng, Dự án hạ tầng cơ sở ưu tiên các đô thị Tây Nguyên trong tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam 348 tỷ đồng.

Tập trung gỡ “nút thắt”

Theo đánh giá của UBND thành phố, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05, sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đã tạo động lực thúc đẩy TP. Buôn Ma Thuột phát triển về mọi mặt. Tuy nhiên, các lĩnh vực của thành phố còn chuyển biến chậm, chưa có sự đột phá. Việc kêu gọi, thu hút, huy động các nguồn vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế. Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch còn nhiều bất cập. Việc bố trí ngân sách cho các mục tiêu ưu tiên chưa bảo đảm, nhiều chủ trương, chính sách đề ra thiếu nguồn lực thực hiện. Chất lượng nguồn nhân lực còn cách xa yêu cầu phát triển...

Tháo gỡ những "nút thắt" trên, bên cạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, vận động nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thành phố đã và đang tập trung vào hai mũi nhọn chính, đó là thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh.

Sản xuất thép tại Khu Công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyễn Gia

Để xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập trong tình hình mới, thành phố đã và đang tập trung phát triển hệ thống trường học, nhất là các trường cao đẳng, đại học, thu hút nhân tài, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho thành phố và vùng Tây Nguyên. Hiện nay, thành phố đã có 1.020 giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học tham gia công tác trên địa bàn. Đồng thời, TP. Buôn Ma Thuột đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Nghị quyết về chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt để thu hút nhân tài làm việc tại TP. Buôn Ma Thuột trình HĐND tỉnh trong quý II/2023.

Xác định việc thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh sẽ tạo bước phát triển cho Buôn Ma Thuột ngày càng xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, thành phố đã và đang triển khai các dự án chuyển đổi số, cải cách hành chính. Nhờ đó, công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến tích cực, được người dân, doanh nghiệp đánh giá với mức độ rất hài lòng và hài lòng đạt trên 99%. Các phòng, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện khá tốt việc chuyển đổi số, sử dụng có hiệu quả các tính năng của phần mềm như: chữ ký số, hệ thống thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý văn bản và điều hành (iDesk), tìm kiếm, tiếp nhận, xử lý văn bản…

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc