Multimedia Đọc Báo in

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

08:38, 06/07/2023

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND, ngày 28/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các sở, ban, ngành, địa phương.

Tiếp đó, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND, ngày 17/5/2023 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Thế nhưng, với việc UBND tỉnh liên tiếp ra nhiều văn bản chỉ đạo nói trên cho thấy, tình trạng kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước vẫn chưa thật sự nghiêm túc.

Cán bộ, viên chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Cư Mgar (huyện Cư Mgar) giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Lan Anh
Cán bộ, viên chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Cư M'gar (huyện Cư M'gar) giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh minh họa: Lan Anh

Điển hình, Chỉ thị số 14 nêu rõ, gần đây, tình trạng một số cơ quan, đơn vị và một số bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đã diễn ra nơi này nơi nọ, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết các nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, người dân.

Qua đó cho thấy, việc nâng cao tinh thần, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng niềm tin trong nhân dân.

Thực tế, từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, với mục tiêu nhằm chấn chỉnh lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của cơ quan nhà nước, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ và phục vụ nhân dân.

Cụ thể, khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân; phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân.

Vì vậy, việc tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ của Chính phủ cũng như Chỉ thị số 14, Kế hoạch số 78 của UBND tỉnh là điều hết sức cần thiết. Trong đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động khơi dậy sức sáng tạo, lòng nhiệt huyết của cán bộ, công chức, viên chức để tạo ra nhiều điển hình tiên tiến, những sáng kiến có giá trị. Cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ trong tiếp nhận, giải quyết công việc của tổ chức, công dân; không được có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân.

Cùng với tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất, các cơ quan, đơn vị kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không làm, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.