Multimedia Đọc Báo in

Miền tưởng niệm thẳm sâu

17:33, 26/07/2023

Gần 40 năm sau chiến cuộc Thành cổ Quảng Trị năm 1972 của cuộc kháng chiến chống Mỹ, có một người đã lặng lẽ tìm về miền quá khứ bi tráng theo cách của mình.

Đó là Đại tá Trần Ngọc Long (SN 1941, quê ở Hà Nội), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48 (Trung đoàn Thạch Hãn). Ông là “hạt gạo trên sàng” còn lại sau 81 ngày đêm năm 1972 khốc liệt chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị nung nấu ý tưởng làm một cuốn sách về đồng đội đã hy sinh khi đã 70 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời. Ông còn là Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn 48.

Ông Long may mắn gặp một người đồng đội cũng tràn đầy tâm huyết khi ấy có chức vụ rất cao trong quân đội, Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Nghiên nguyên là Đại đội trưởng thuộc tiểu đoàn ông Long từng chỉ huy ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ông Nghiên đồng tình cao với khát vọng của thủ trưởng cũ, coi đó là công việc ân tình nhất định phải làm với đồng đội, kể cả người đang sống và nhất là cho những chiến binh đã ngã xuống năm xưa.

Các cựu chiến binh bên cuốn sách “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị”.

Sau khi cân nhắc, Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên đã đề xuất cấp cho ông Long một giấy giới thiệu đến các đơn vị quân đội trong toàn quân và các địa phương để sưu tra danh sách liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị, một công việc đòi hỏi công phu, cẩn trọng, tỉ mỉ, nhiều khi như “mò kim đáy bể”. Ông Long đã có “danh chính ngôn thuận” để bắt đầu hành trình khó nhọc mà hầu như chỉ có một mình. Khi được hỏi vì sao ông không tìm thêm cộng sự làm việc với mình để san sẻ gánh nặng, ông đáp: “Tôi cũng muốn lắm chứ, nhưng liệu ai có thể giúp được. Ngoài việc đi đến các đơn vị quân đội, tôi chỉ có thể làm việc một mình. Vì sao? Vì phải là người bao quát được tình hình, biết được các đơn vị tham chiến, lại sâu sát với chiến sự Thành cổ ngày đó, có mặt từ đầu đến cuối mới có thể kiểm định, sàng lọc thông tin chính xác, tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, mà đây lại là câu chuyện liệt sĩ nữa nên càng phải thận trọng. Tôi lấy ví dụ: có rất nhiều đơn vị tham gia chiến dịch này nhưng phải là những đơn vị, cá nhân trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu cho 81 ngày đêm Thành cổ mới đưa vào diện xem xét, đó cũng là việc không hề đơn giản”.

Nhưng gian nan cũng chỉ mới bắt đầu.

*

Ông Trần Ngọc Long đi ròng rã hầu khắp các địa bàn. Ông đã đi xe máy lên Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, vào khu Bốn cũ... Về nhà ông lại trần lưng đánh vật với từng tài liệu, danh tính để rà soát đơn vị, quê quán, tên tuổi của từng liệt sĩ. Chỉ riêng chuyện chia tách các đơn vị hành chính quê quán các liệt sĩ cũng đã mất nhiều công sức xác minh; có khi một vài chi tiết thôi cũng có thể mất cả vài ngày. Ông bồi hồi nhớ lại: “Nhiều đêm tôi thức trắng theo việc, vợ tôi xót cứ nhắc chồng đi ngủ vì sợ tôi ốm. Riêng tiền điện thoại của tôi, cũng đã mất gần 30 triệu đồng, tất nhiên là tiền túi của mình”.

Mất hai năm như thế, năm 2011 ông Long mới hoàn thành công việc của mình, có được danh sách chính xác của hơn 4.000 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị lần đầu tiên trang trọng xuất hiện trong cuốn sách “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị”. Một kỳ công vượt quá sức nhiều người chứ không chỉ với một người.

Và kỳ thư lại có thêm kỳ sự: lễ rước sách từ Hà Nội vào Thành cổ. Đúng là chuyện lạ thời nay. Ông Long cho hay: “Ngày 8/7/2011 từ Tượng đài liệt sĩ Ba Đình, một đoàn xe diễu hành, nghi lễ trang trọng từ Hà Nội vào Quảng Trị. Có cả đội tiêu binh, quân nhạc hẳn hoi. Vào đến Thành cổ Quảng Trị khi rước sách xuống chúng tôi vui mừng khôn xiết. Bà con Quảng Trị cũng rất hân hoan. Vậy là tâm nguyện bao người đã thành hiện thực. Đó là ngày 10/7/2011”. Một ngày thiêng liêng không thể nào quên với không chỉ riêng mảnh đất Quảng Trị.

Và đã có một miền tưởng niệm thẳm sâu ruột rà với đất thiêng Quảng Trị. Và đi qua những khúc ca bi tráng của chiến tranh, chúng ta hân hoan khi Quảng Trị đệ trình Chính phủ phương án chọn đất này để thiết kế Festival Hòa bình. Một trang mới an lành sẽ được hứa hẹn mở ra, hoa sẽ nở trên những dấu tích đạn bom để hiến dâng khát vọng thái hòa.

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.