Multimedia Đọc Báo in

Âm vang mùa Thu tháng Tám

16:00, 31/08/2023

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Đắk Lắk ghi dấu ở nhiều di tích lịch sử. Nơi ấy không chỉ in dấu thời khắc lịch sử của dân tộc mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân về những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Trong số đó, phải kể đến Di tích Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945 (địa chỉ 71 Lý Thường Kiệt, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột). Di tích là ngôi nhà của ông Đầu Viết Chúc, một công chức tiến bộ ở thị xã Buôn Ma Thuột thời bấy giờ. Năm 1943, ông đã xây dựng ngôi nhà ba gian này trên khu đất rộng hơn 500 m2 (địa chỉ cũ là 57 Lý Thường Kiệt) theo mô típ nhà truyền thống ở miền Bắc với mái dốc lợp bằng ngói vảy cá. Ngôi nhà trở thành một trong những cơ sở cách mạng bí mật nằm ở ngay trung tâm thị xã.

Lãnh đạo UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy qua các thời kỳ thăm Di tích Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945 (địa chỉ 71 Lý Thường Kiệt, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột).

Theo tài liệu của Bảo tàng Đắk Lắk, chính tại ngôi nhà này đã diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của UBND cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk để chuẩn bị điều kiện cho khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của tỉnh. Đặc biệt, tối ngày 19/8/1945, khi thế và lực của cách mạng trong cả nước đang dâng cao, thì tại ngôi nhà này, Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh đã triệu tập hội nghị khẩn cấp, đưa ra quyết định mang tính chất chiến lược lịch sử - phát động quần chúng chuẩn bị giành chính quyền tại thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là một quyết định sáng tạo và táo bạo, lợi dụng yếu tố bất ngờ tạo tiền đề cho thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đắk Lắk nói riêng và góp phần làm nên thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của cả nước nói chung.

Nằm trên địa bàn xã Ea Yông (huyện Krông Pắc), Di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA  là nơi ghi dấu sự ra đời và trưởng thành vững chắc của chính quyền Việt Minh, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 ở tỉnh Đắk Lắk. Theo các ghi chép lịch sử, CADA là đồn điền do thực dân Pháp lập nên trong quá trình khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương để khai thác, bóc lột sức người và của cải tại Đắk Lắk; là nơi hình thành nên giai cấp công nhân đầu tiên của tỉnh. Trong không khí sục sôi những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, CADA là nơi ra đời chính quyền cách mạng đầu tiên ở cấp cơ sở trong tỉnh. Sáng 18/8/1945, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ trước trụ sở Ủy ban Cách mạng lâm thời ở đồn điền...

Những hiện vật, hình ảnh bên trong Di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc).

Hiện nay, các di tích đã có nhiều thay đổi so với trước đây nhưng những giá trị lịch sử vẫn vẹn nguyên, được tỉnh quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo. Di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA  trở thành một “bảo tàng sống”, lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật được hiến tặng, trong đó nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với địa danh CADA và vùng đất Krông Pắc; cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Em Nguyễn Thị Tuyết (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) bày tỏ: “Nhân dịp đến với Di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA, qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên, mỗi hiện vật lại đưa em trở về thời kỳ đấu tranh anh dũng, kiên cường của thế hệ cha anh”.

Bên cạnh đó, các tổ chức, đơn vị trên địa bàn huyện đã trồng hơn 300 cây các loại để làm đẹp cảnh quan, chỉnh trang, tôn tạo khu di tích ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện nay, di tích lịch sử CADA có tổng diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ là gần 44.000 m2. Từ tháng 5/2022 đến nay, di tích được mở cửa thường xuyên để đón nhân dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Di tích Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945 đã trở thành một di tích lịch sử ý nghĩa, nơi tổ chức các hoạt động về nguồn cho cựu chiến binh, học sinh, sinh viên và phục vụ nhu cầu tham quan của người dân, du khách. Việc tuyên truyền, giới thiệu về giá trị của di tích cũng được đẩy mạnh, giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu biết, tự hào và có trách nhiệm gìn giữ, góp phần tô thắm thêm truyền thống hào hùng của quê hương.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.