Multimedia Đọc Báo in

Kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri

05:35, 13/09/2023

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri (TXCT) của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), hoạt động TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đã và đang ngày càng đi vào nền nếp.

Mối quan hệ giữa ĐBQH với cử tri được củng cố, gắn bó chặt chẽ qua đó giúp ĐBQH có thêm nhiều thông tin, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, có thêm những kinh nghiệm quý báu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của mình. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH LÊ THỊ THANH XUÂN, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân

* Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về kết quả công tác triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Trong 10 năm qua, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để các vị ĐBQH trong Đoàn TXCT theo luật định. Trước mỗi đợt TXCT, Đoàn ĐBQH tỉnh đã trao đổi thống nhất về hình thức tổ chức, địa điểm TXCT với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trước khi ban hành Kế hoạch TXCT gửi đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để thông báo chương trình, nội dung, hình thức, thời gian, phân công đại biểu về các điểm TXCT và trách nhiệm tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị có liên quan; duy trì phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tổ chức các đợt TXCT trước và sau kỳ họp Quốc hội trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các hội nghị TXCT được tổ chức chu đáo, dân chủ, thu hút đông đảo nhiều thành phần cử tri tham gia; nhiều kiến nghị thiết thực liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng thể chế và thực hiện các quyền cơ bản của công dân… đều được phản ánh đầy đủ tại các hội nghị.

Thông qua hoạt động TXCT, ĐBQH đã thu thập được nhiều thông tin, những ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh tại các diễn đàn Quốc hội, đóng góp ý kiến thiết thực vào các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều ý kiến của đại biểu có chất lượng cao, bám sát yêu cầu của cử tri và thực tiễn đời sống xã hội.

Từ ngày 1/1/2013 đến ngày 31/12/2022, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức được 272 hội nghị TXCT (gồm 268 hội nghị TXCT định kỳ và 4 cuộc TXCT chuyên đề) với hơn 43.332 lượt cử tri tham gia.

* Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525 có những khó khăn, hạn chế nào không, thưa bà?

Trong công tác tổ chức hoạt động TXCT, Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk chủ yếu phối hợp tổ chức TXCT bằng hình thức hội nghị TXCT trước và sau kỳ họp Quốc hội, chưa có điều kiện tổ chức nhiều hình thức TXCT theo chuyên đề, theo nhóm đối tượng, tiếp xúc tại nơi cư trú; việc tổ chức TXCT ở vùng sâu, vùng xa chưa được nhiều. Tình trạng cử tri là cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện đến dự ở một số huyện còn khá phổ biến, chưa thu thập được ý kiến rộng rãi của nhân dân. Việc tiếp thu, giải trình, giải quyết trực tiếp các ý kiến, kiến nghị của cử tri của một số cơ quan chức năng tại địa phương còn chung chung, nhiều nội dung chưa đưa ra được những giải pháp, cam kết thực hiện trong thời gian tới. Có những vấn đề được cử tri nêu trong nhiều cuộc tiếp xúc nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng, do đó chưa đáp ứng được nguyện vọng và mong muốn của cử tri.

Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân trao quà Tết tặng người dân xã Krông Jing, huyện M'Drắk.

Công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát của Đoàn ĐBQH, ĐBQH về việc giải quyết kiến nghị của cử tri chưa thường xuyên, chủ yếu mới dừng lại ở việc theo dõi, đôn đốc tiến độ và xem xét, đánh giá qua văn bản trả lời kiến nghị cử tri; chưa tổ chức khảo sát, giám sát thực tế kết quả trả lời, thực hiện giải quyết kiến nghị cử tri nên nhiều kiến nghị đã có trả lời nhưng chưa thấu đáo, cử tri chưa thỏa mãn, tiếp tục kiến nghị nhiều lần.

Một bộ phận cử tri chưa nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia giám sát nhà nước thông qua người mà mình đã trao quyền đại diện nên chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp xúc với ĐBQH. Đa phần kiến nghị của cử tri tập trung vào những vấn đề tranh chấp cá nhân, những vấn đề thuộc về trách nhiệm giải quyết của chính quyền các cấp, chưa có nhiều ý kiến tầm vĩ mô, tham gia xây dựng chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương…

* Để tháo gỡ những hạn chế, khó khăn này, Đoàn ĐBQH đã có những giải pháp, kiến nghị gì, thưa bà?

Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác rà soát, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó cần lựa chọn những kiến nghị chưa được xem xét giải quyết thỏa đáng, chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhất là những nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần; kiến nghị của cử tri về các vấn đề khó khăn, vướng mắc tại cơ sở liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 525 theo hướng quy định rõ về việc tổ chức hội nghị TXCT ở nơi cư trú và nơi làm việc, TXCT theo chuyên đề của ĐBQH trong nhiệm kỳ để tăng cường các hình thức tiếp xúc này. Cần quy định rõ hơn trách nhiệm của đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là người đứng đầu trong việc tham gia, cử đại diện tham gia các hội nghị TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và trực tiếp trao đổi, giải trình, giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri; quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết kiến nghị cử tri; bổ sung trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện trong giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương; cần có quy định cụ thể về phối hợp giữa ĐBQH với đại biểu HĐND các cấp trong hoạt động TXCT nhằm giảm bớt số lượng các cuộc tiếp xúc, nâng cao chất lượng và sự tham gia của đông đảo nhân dân…

* Trân trọng cảm ơn bà!

Duy Tiến (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.