Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử
Xác định xây dựng chính quyền điện tử là xu thế trong thời đại công nghiệp 4.0. Thời gian qua các địa phương, đơn vị đang từng bước xây dựng và phát triển chính quyền số nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, UBND huyện Krông Ana đã quán triệt, triển khai các văn bản về chuyển đổi số (CĐS), tăng cường công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin. Hiện nay, việc gửi và nhận văn bản của địa phương đều thực hiện trên hệ thống iDesk.
Ông Hoàng Minh Giám, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Krông Ana cho hay: Bên cạnh những hành động để thực hiện CĐS thì việc tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho cán bộ, công chức và người dân cũng rất quan trọng. Các cơ quan, đơn vị đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ, khoảng cách giữa chính quyền với người dân ngày càng được rút ngắn. Hiện các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã thành lập ban chỉ đạo CĐS; thành lập 72 tổ công nghệ số cộng đồng tại 72 thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn với 390 thành viên tham gia.
Nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa liên thông huyện được đảm bảo, tiện lợi, UBND huyện chỉ đạo xây dựng hệ thống bốc số tự động, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ thực hiện tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại bộ phận một cửa. Toàn huyện hiện có 11 điểm cầu trực tuyến phục vụ công tác hội nghị, chỉ đạo các nhiệm vụ của Trung ương, tỉnh, huyện đến các xã, thị trấn đã góp phần đẩy nhanh tiến độ công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Người dân đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính huyện Cư Kuin. |
Huyện Cư Kuin cũng đã và đang nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), từng bước xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp khi đến thực hiện các giao dịch hành chính tại các Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, các đơn vị còn thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý và điều hành trực tuyến iDesk; áp dụng chữ ký số tại UBND huyện và các phòng, ban chuyên môn trực thuộc và UBND các xã.
Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung cải thiện nâng cao chỉ số SIPAS, trong đó đề ra mục tiêu về chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ, chỉ số hài lòng về công chức giải quyết TTHC, chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan đến TTHC. Nhờ vậy, năm 2022, chỉ số CCHC của huyện Cư Kuin xếp thứ 9/15 huyện, thị xã, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2021. Sự hài lòng của người dân với thái độ và cung cách giải quyết công việc của cán bộ, công chức cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác CCHC.
Tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy chuyển đổi số
Để phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động các cơ quan nhà nước, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã ứng dụng Phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Các sở, ban, ngành cũng đã quan tâm, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy CĐS. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2023, đã có trên 15 văn bản của UBND tỉnh ban hành để kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thúc đẩy CĐS nói chung.
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh kiểm tra công tác chuyển đổi số tại bộ phận Văn thư UBND huyện Krông Ana. |
Từ năm 2021 đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã cung cấp 1.637 TTHC, trong đó có 491 dịch vụ công trực tuyến một phần, 681 dịch vụ công trực tuyến toàn trình với khoảng 3.853 cán bộ công chức thường xuyên sử dụng. Trong tổng số 2.587.362 hồ sơ được tiếp nhận trên hệ thống có 474.573 hồ sơ được người dân/doanh nghiệp nộp trực tuyến.
Hệ thống iGate được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ xác thực, định danh khai thác dữ liệu trong quá trình giải quyết TTHC; tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia và các phần mềm chuyên ngành của các bộ, ngành Trung ương...
Có thể thấy các cơ quan, đơn vị địa phương hiện đã thực hiện tốt công tác định hướng, xây dựng và ban hành thể chế, chính sách về CĐŚ; đã có sự tham gia vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc