Multimedia Đọc Báo in

“Phủ xanh” bản đồ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính

07:11, 14/12/2023

Xác định rõ tầm quan trọng của yêu cầu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh Đắk Lắk, chỉ trong thời gian ngắn, huyện Krông Pắc đã huy động cán bộ, công chức, viên chức tập trung thi đua hoàn thành nhiệm vụ số hóa của cả năm 2023.

Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC là một nhiệm vụ mới nhằm ứng dụng công nghệ thông tin thay thế dần phương thức tiếp nhận, giải quyết TTHC truyền thống. Đây là một tiêu chí quan trọng, được cập nhật thường xuyên, liên tục thông qua thể hiện màu sắc bản đồ trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo mức đánh giá từ màu đỏ đến màu xanh đậm tương ứng với kết quả số hóa từ dưới 50% đến trên 90%.

Từ cuối năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành quy trình cụ thể để bộ phận một cửa các cấp thực hiện nhiệm vụ này và đã được UBND huyện Krông Pắc triển khai đến các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho đến quý III/2023 vẫn gặp phải những lúng túng, bất cập khiến công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC vẫn ở mức thấp, thể hiện bằng đánh giá màu đỏ ở tất cả 16 đơn vị xã, thị trấn.

Cán bộ phụ trách công tác chuyển đổi số huyện Krông Pắc hướng dẫn quy trình thực hiện số hóa hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Vụ Bổn.

Điển hình như tại xã Vụ Bổn, chỉ riêng trong 9 tháng năm 2023, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (gọi tắt là Bộ phận một cửa) đã giải quyết khoảng 2.400 hồ sơ TTHC; số lượng hồ sơ có số hóa thành phần chỉ đạt gần 49% và chưa có hồ sơ thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC. Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn Trần Văn Sáu cho hay, dù đã được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, song các trang thiết bị và đường truyền Internet tại Bộ phận một cửa chưa thực sự bảo đảm, đồng bộ khiến việc kết nối đến Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh còn chậm. Cán bộ, công chức phụ trách việc tiếp nhận và giải quyết TTHC vốn đã quen với quy trình xử lý truyền thống bằng giấy nên chưa chủ động thực hiện song song các bước số hóa hồ sơ...

Từ thực tế đó, đầu tháng 10/2023, UBND huyện Krông Pắc đã triển khai nhắc nhở, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương và cử cán bộ phụ trách bám sát hướng dẫn quy trình số hóa theo đúng quy định. Huyện cũng thực hiện trích xuất dữ liệu hằng ngày từ Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh, công khai trên các nhóm Zalo về chuyển đổi số, cải cách hành chính và phát động đợt cao điểm 10 ngày bổ sung số hóa hồ sơ với yêu cầu 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công từ ngày 15/12/2022 đến hiện tại được bổ sung số hóa lưu trữ và có giá trị tái sử dụng.

Cán bộ phụ trách Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Krông Pắc hướng dẫn người dân tra cứu dịch vụ công trực tuyến.

Từ chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt của UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị; UBND các xã, thị trấn đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia cập nhật số hóa bổ sung từ các hồ sơ TTHC bằng giấy lưu trữ tại Bộ phận một cửa. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương phải huy động cán bộ, công chức tăng ca làm việc ngoài giờ hành chính, đảm bảo yêu cầu hồ sơ, giấy tờ được số hóa đầy đủ, chính xác và toàn vẹn dữ liệu.

Bằng nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đến cuối tháng 11/2023, huyện Krông Pắc đã đạt mục tiêu số hóa 100% hồ sơ và kết quả TTHC được tiếp nhận và giải quyết tại 17 bộ phận một cửa cấp xã và cấp huyện từ ngày 15/12/2022 đến nay, là đơn vị cấp huyện đầu tiên chuyển sang màu xanh trên bản đồ đánh giá của Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.