Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đảng viên gắn với bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số:

Nhân tố xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở huyện Lắk

08:19, 05/01/2024

Với đặc thù tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 63%, Huyện ủy Lắk luôn xác định công tác phát triển đảng viên vùng DTTS là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.

Đảng bộ huyện Lắk hiện có 51 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với tổng số 3.348 đảng viên (trong đó có 123 đảng viên dự bị); đảng viên là người DTTS có 1.447 đồng chí (chiếm 42,98%).

Phát triển đảng viên người DTTS...

Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Lắk đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng thường xuyên quán triệt, thực hiện các quy định của Đảng; chú trọng công tác rà soát, phát hiện bồi dưỡng nguồn để phát triển đảng viên nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng. Đồng thời, ban hành các kế hoạch, văn bản hướng dẫn và phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Huyện ủy viên phụ trách các địa bàn để hướng dẫn, chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó chú trọng phát triển đảng viên là người DTTS, vùng có đạo.

Đảng viên H Mên Teh (bên trái, ở buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk) nhận Quyết định kết nạp đảng viên.

Mới được kết nạp Đảng tháng 12/2023, đảng viên H Mên Teh, Chi bộ buôn Diêo (thuộc Đảng bộ xã Bông Krang) rất vui mừng và tự hào khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong không khí trang nghiêm tại Nhà Văn hóa cộng đồng buôn Diêo, xã Bông Krang, trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, H Mên Teh (SN 1996) dõng dạc hô to lời tuyên thệ trong Lễ kết nạp đảng viên mới. Chị H Mên Teh chia sẻ, là người con của buôn làng M’nông, khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng sẽ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu tốt nhất để cống hiến tài năng, sức trẻ của mình cho mục tiêu lý tưởng của Đảng, gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương.

Với vai trò là Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Thái (xã Bông Krang), đảng viên Lữ Thị Thái luôn năng nổ, nhiệt huyết và có nhiều đóng góp trong các phong trào ở địa phương như hiến đất làm đường giao thông nông thôn, đóng góp tiền làm đường điện thắp sáng thôn, buôn, làm đường hoa theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lắk khóa XV về “Tập trung huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk vào năm 2030”. Ngoài ra, chị còn là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, với mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi tằm, trồng cây ăn trái; hằng năm nguồn thu nhập của gia đình chị sau khi trừ chi phí được khoảng 300 triệu đồng.

 

Giai đoạn 2020 - 2023, huyện Lắk đã mở được 50 lớp đào tạo bồi dưỡng nhận thức về Đảng, với tổng số 1.226 học viên là quần chúng ưu tú tham gia học tập, trong đó quần chúng ưu tú người DTTS có 607 người.

Bí thư Đảng ủy xã Bông Krang Bùi Văn Thanh nhấn mạnh, phát triển đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng tại địa phương nhằm củng cố, xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, tạo nguồn thừa kế và phát triển cho các tổ chức cơ sở đảng. Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ hết sức quan trọng đó, được sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Huyện ủy, thời gian qua, Đảng ủy xã Bông Krang và các chi bộ trực thuộc đảng bộ xã chú trọng công tác xây dựng, tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, là “hạt nhân” của các buôn làng để phát triển đảng viên. Tính đến cuối năm 2023, Đảng bộ xã có 241 đảng viên, trong đó có 161 đảng viên người DTTS (chiếm 67%).

Gắn với việc bố trí cán bộ

Gắn với công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên người DTTS, Huyện ủy Lắk đặc biệt quan tâm đến công tác bố trí sử dụng cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị ở địa phương.

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2023, tổng số cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên người DTTS trên địa bàn huyện Lắk có 1.547 người. Trong đó, khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện hiện có 48 người; khối nhà nước: 81 người; khối sự nghiệp: 1.191 người; cấp xã: 227 người. Trong đó, có 12/40 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện là người DTTS (chiếm 30%); 4/11 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy là người DTTS (chiếm 36,36%); 98/209 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ trực thuộc Huyện ủy là người DTTS (chiếm 46,88%). Cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn có 78 người, trong đó có 41 cán bộ là người DTTS (chiếm 52,56%).

Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Thái, xã Bông Krang Lữ Thị Thái tích cực phát triển kinh tế gia đình.

Là một trong những cán bộ người DTTS, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao Y Wu Sruk cho biết, qua quá trình nỗ lực phấn đấu, năm 2021 anh được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã. Với trọng trách được giao, anh luôn tích cực học hỏi để nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Xã Yang Tao có trên 95% dân số là người DTTS. Là người con của buôn làng, đồng thời là cán bộ tại chỗ nên anh hiểu rõ phong tục tập quán của bà con, nhờ đó thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lắk Đào Thị Thanh An khẳng định, việc phát triển đảng viên người DTTS gắn với việc bố trí cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Từ đó đã tạo được sự đồng thuận, tính hài hòa trong sự phát triển về kinh tế - xã hội đối với các địa phương, vùng đồng bào DTTS; giảm dần khoảng cách về trình độ nhận thức, chênh lệch giàu nghèo giữa các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS với các vùng khác. Mặt khác, bảo đảm tốt về an ninh nông thôn ngay tại cơ sở, thực hiện đúng đắn chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng DTTS trên địa bàn huyện Lắk.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.