Multimedia Đọc Báo in

Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh:

Khẳng định vai trò cơ quan tham mưu đắc lực, tin cậy và trọng yếu của Đảng

08:34, 14/10/2024

Là cơ quan tham mưu đắc lực, tin cậy và trọng yếu của Đảng trong suốt các thời kỳ, giai đoạn cách mạng, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, trở thành chỗ dựa vững chắc của cấp ủy các cấp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ qua từng thời kỳ

Tháng 5/1945, “Ban lãnh đạo lâm thời” Đảng bộ Đắk Lắk được thành lập, song do điều kiện hoạt động lúc bấy giờ nên chưa có bộ máy các cơ quan giúp việc.

Đầu năm 1947, Ban Cán sự Đảng tỉnh được tổ chức lại theo Quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ Nam Trung Bộ, thống nhất lãnh đạo các lực lượng quân - dân - chính - đảng tại địa bàn, xây dựng phát triển thực lực cách mạng, phát triển phong trào du kích. Gắn với sự hình thành và phát triển của Ban Cán sự Đảng tỉnh, Ban Đảng vụ (sau này là Ban Tổ chức) được hình thành.

Từ vài cán bộ theo dõi quản lý một số mặt về công tác đảng vụ thời kỳ đầu, từng bước được bổ sung, kiện toàn, đến tháng 6/1950, Ban Đảng vụ tỉnh được xây dựng tương đối hoàn chỉnh.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thượng Hải triển khai các nhiệm vụ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy năm 2024.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Đảng vụ tỉnh đã nghiên cứu, vận dụng phương châm, phương thức và nội dung công tác sát hợp với từng vùng, giúp Ban Cán sự Đảng tỉnh chỉ đạo phát triển cơ sở và tổ chức đảng trong vùng đồng bào dân tộc nên chỉ trong thời gian từ cuối năm 1949 đến 1951 đã thành lập được hàng chục chi bộ xã, buôn với hàng trăm đảng viên là người dân tộc thiểu số.

Đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp của tỉnh ngày càng phát triển, trưởng thành. Trong hơn 20 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), công tác tổ chức xây dựng Đảng đã phục vụ tích cực cho sự lãnh đạo của Đảng bộ, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, Trung ương đã điều động một số cán bộ ở các tỉnh để tăng cường cho Đắk Lắk.

Tỉnh ủy chỉ đạo gắn yêu cầu xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tăng cường giáo dục lý luận chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao chất lượng đảng viên, tăng cường củng cố các tổ chức đảng; chăm lo bồi dưỡng, đào tạo cán bộ; sàng lọc đội ngũ đảng viên, đưa ra khỏi Đảng những người thực sự không còn đủ tư cách và tăng cường kết nạp đảng viên mới.

Một số cơ quan tham mưu quan trọng của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các huyện, thị bước đầu được kiện toàn. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chính sách cán bộ đã có nhiều tiến bộ, đổi mới. Tỉnh ủy chú trọng kiện toàn bộ máy các ban xây dựng Đảng, đoàn thể theo hướng tinh gọn, hiệu quả, ban hành các quy định, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ và quy chế hoạt động của từng cơ quan, tổ chức đảng.

Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Đắk Lắk đã từng bước chỉnh đốn, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; triển khai nhiều mô hình mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu; xây dựng và củng cố, phát triển tổ chức đảng; đẩy mạnh phát triển đảng viên và xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chú trọng nâng cao chất lượng công tác tham mưu

Xác định xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, những năm qua, ban tổ chức cấp ủy các cấp tập trung tham mưu kiện toàn mô hình các tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát triển đảng viên.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động phong trào thi đua xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt” giai đoạn 2023 - 2028; tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiệp vụ đảng viên; thực hiện rà soát, sàng lọc, giáo dục giúp đỡ và đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; sắp xếp tổ chức đảng theo Điều 10, Điều lệ Đảng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 88.900 đảng viên, sinh hoạt tại 865 tổ chức cơ sở đảng; 100% thôn, buôn, tổ dân phố có đảng viên, có chi bộ.

Lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Ea Súp tìm hiểu đời sống, việc làm của đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ban tổ chức cấp ủy các cấp cũng đã chủ động tham mưu cấp ủy quán triệt, cụ thể hóa và đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản về công tác cán bộ phù hợp với thực tiễn địa phương. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét thống nhất chủ trương về công tác nhân sự thường xuyên kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định của Đảng và Nhà nước; tham mưu Thường trực Tỉnh ủy xem xét thống nhất chủ trương điều chỉnh cơ cấu Đề án ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ cấp huyện; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; triển khai thực hiện Đề án luân chuyển, điều động cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; triển khai thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã và đang tập trung tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và tiến đến Đại hội XIV của Đảng. Trong đó, tập trung tham mưu ban hành kế hoạch, tổ chức các hội nghị quán triệt văn bản của Đảng về đại hội đảng các cấp; thành lập 5 tiểu ban, tổ giúp việc các tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030; tham mưu công tác chuẩn bị nhân sự; tham mưu kế hoạch, đề án rà soát, kết luận tiêu chuẩn chính trị nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy các cấp…

Với những thành tích và đóng góp quan trọng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2002 và Huân chương Độc lập hạng III năm 2010; hằng năm đều được Ban Tổ chức Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng cờ thi đua và bằng khen.

 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.