Multimedia Đọc Báo in

Nhận diện và đấu tranh với “bệnh thành tích”

08:28, 13/10/2024

Đảng ta nhận định: Mắc "bệnh thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” là 1 trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Có thể thấy “bệnh thành tích” là một hiện tượng xã hội nguy hại, làm tha hóa đạo đức cách mạng của không ít cán bộ, đảng viên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi "bệnh thành tích" là “bệnh hiếu danh”, “bệnh hữu danh, vô thực”, “bệnh ham danh vị”, “bệnh hình thức”, là một bệnh mà nếu “mắc phải một trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc”. Bởi vậy, Người sớm chỉ ra 14 tiêu chuẩn cần có của một người cách mạng, trong đó có tiêu chuẩn “Không hiếu danh. Không kiêu ngạo”.

Nguồn gốc của “bệnh thành tích” trong cán bộ, đảng viên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một phần nguyên nhân sâu xa từ trong lịch sử, chi phối nặng nề trong tư duy “đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa... Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng”. Bên cạnh đó, "bệnh thành tích" còn bắt nguồn từ chính bản thân mỗi cá nhân, do chủ nghĩa cá nhân sinh ra. Vì mang nặng chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết chăm lo, vun vén cho lợi ích riêng, quên lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, đặt cái riêng lên trên cái chung mà bao che, giấu giếm khuyết điểm, khuếch trương thành tích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu

Biểu hiện của của "bệnh thành tích" là “làm việc không thiết thực,… làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch”. Trong thi đua, biểu hiện ở thành tích ít nhưng báo cáo nhiều, hoặc chỉ báo cáo thành tích còn khuyết điểm thì che giấu đi; biểu hiện ở việc làm bừa, làm ẩu, phô trương thành tích. Những cán bộ, đảng viên mắc phải "bệnh thành tích" đều có chung đặc điểm là “tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại... Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực”.

Hệ lụy của "bệnh thành tích" là vô cùng nguy hại, bởi đó là nguồn gốc sâu xa dẫn tới sự suy thoái, biến chất, làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Làm nảy sinh thói ghen ghét, đố kỵ trong một tổ chức, ngăn trở người cán bộ, đảng viên chân chính phấn đấu, phá hoại khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Hậu quả là làm cho tập thể có những cá nhân nảy sinh tự mãn, kiêu ngạo, ảo tưởng, xem thường người khác, xa rời quần chúng. “Bệnh thành tích” cũng như các căn bệnh khác, chính là “địch nội xâm” luôn ngăn cản người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc; là nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Biện pháp phòng, chống “bệnh thành tích” là cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình: “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”. Về phía tổ chức, phải thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Thực tế hiện nay, “bệnh thành tích” biểu hiện trên nhiều mặt, ở nhiều nơi, từ trong Đảng đến đời sống xã hội đến mỗi gia đình và từng cá nhân. Do đó, vận dụng những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhận diện sâu sắc, đầy đủ hơn các biểu hiện suy thoái, “bệnh thành tích”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống” là nhân tố quan trọng để xây dựng Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Theo đó, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống “bệnh thành tích”. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên. Đồng thời, phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên trong nhận thức và tận tâm, tận lực làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, với tinh thần “đúng vai, thuộc bài”.

 Cải tiến phong cách và lề lối làm việc của cấp trên cơ sở, thường xuyên tiếp xúc đối thoại với quần chúng, lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của quần chúng, thiết lập kênh thông tin đa chiều. Chủ động phát hiện tình hình, kiên quyết xử lý, khắc phục bệnh quan liêu qua nhiều tầng nấc trung gian, xa thực tế.

Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ nội bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Thường xuyên, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình gắn với đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; xây dựng các chế tài để phòng, chống “bệnh hình thức”. Cần tập trung vào những khâu, những nội dung mấu chốt, dễ bị lợi dụng, những người có trách nhiệm và thẩm quyền quyết định để ngăn ngừa biểu hiện “bệnh hình thức”. Nghiên cứu hoàn chỉnh các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân, cán bộ, đảng viên có vi phạm về “bệnh thành tích”, gây hậu quả nghiêm trọng.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.