Cách mạng Tháng Mười Nga - sự thức tỉnh các dân tộc bị áp bức
Cách đây 107 năm (7/11/1917 – 7/11/2024), dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích Nga, đứng đầu là lãnh tụ V.I.Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước Nga đã đồng loạt đứng lên lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, lập nên Nhà nước Xô-viết công nông đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, mang nhiều giá trị nhân văn và thời đại sâu sắc, có sức lan tỏa và hấp dẫn đối với các dân tộc bị áp bức, trong đó có Việt Nam.
1. Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện trọng đại nhất trong thế kỷ 20, là thắng lợi đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng của chủ nghĩa Mác-Lênin và giai cấp vô sản. Đánh giá về giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “… Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất”.
Sự xuất hiện của Liên Xô - kết quả của cuộc Cách mạng Tháng Mười, đã xóa bỏ nước Nga Sa hoàng và dựng lên một nước Nga mới - nước Nga Xô-viết, đưa giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên nắm chính quyền; biến ước mơ, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân về một chế độ xã hội không còn bóc lột, áp bức, bất công và nhân dân làm chủ trở thành hiện thực.
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã dẫn tới sự ra đời Nhà nước xã hội chủ nghĩa - Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người và làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực trong đời sống chính trị thế giới.
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một nền dân chủ cho số đông, bảo đảm lợi ích và quyền lực thực tế của người lao động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được thực thi. Nhà nước Xô-viết đã nhanh chóng thông qua và thực hiện các văn kiện mang tầm lịch sử như: Sắc lệnh về ruộng đất, Sắc lệnh về hòa bình, Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc ở Nga, Tuyên ngôn về quyền của nhân dân lao động và bị bóc lột.
Chế độ Xô-viết đã đặt nền móng để những người lao động của các dân tộc sinh sống trên nước Nga tham gia xây dựng xã hội mới mang lại sự ấm no, hạnh phúc, công bằng cho mọi người và các dân tộc bị áp bức khác…
V.I.Lênin - người khởi xướng và lãnh đạo nhân dân Nga thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Ảnh tư liệu |
2. Nhận thức sâu sắc những thành quả mà Cách mạng Tháng Mười Nga mang lại, nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc, sau gần 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đã vui mừng tiếp thu luồng ánh sáng của cuộc Cách mạng Tháng Mười.
Tháng 7/1920, tại Paris (Pháp), đọc “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã sung sướng reo lên: “Luận cương của Lênin làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Qua đó, Người đã nắm bắt được cốt lõi tư tưởng của Lênin: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại! Luận cương đã giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam. Người khẳng định, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản.
Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại, đã chứng tỏ giá trị và sức hấp dẫn của Cách mạng Tháng Mười. Năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người nêu rõ: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”.
Từ kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích Nga trong đấu tranh giành chính quyền, Hồ Chí Minh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị mọi điều kiện để thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam dựa trên các nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của Lênin.
Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Bởi, “mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân” và để “mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”.
Như vậy, cách mạng giải phóng dân tộc là điều kiện tiên quyết để giải phóng con người; đưa con người từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mục đích của cách mạng là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, giàu mạnh. Làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc và xây dựng một xã hội sung sướng, vẻ vang”.
Vì vậy, từ ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm các chính sách của Đảng và Chính phủ đối với người dân, Người khẳng định: “Phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”… Đây thực sự là những giá trị to lớn mà cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản lãnh đạo đem lại cho mọi tầng lớp nhân dân.
Minh Đăng
Ý kiến bạn đọc