Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:

Đánh giá kỹ lưỡng, có phương án hữu hiệu trong triển khai Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

14:56, 13/11/2024

Sáng 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; xem xét, đánh giá các tờ trình, báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Tham gia thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đã đóng góp ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Thống nhất với chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc trục Bắc – Nam, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng nếu quyết tâm thực hiện thì đây cũng là một trong những công trình mang tính biểu tượng của quốc gia để tạo động lực lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh chụp màn hình
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý, đây là lần đầu tiên nghiên cứu để áp dụng một công nghệ đường sắt cao tốc, và chưa từng có tiền lệ về dự án này, cho nên yêu cầu đặt ra trước hết đó là tính công nghệ phải tiên tiến, đáp ứng, bắt kịp được xu hướng của thế giới để đến 50 năm nữa công nghệ này vẫn không lỗi thời. Song song đó là tính hiệu quả; để đạt được mục tiêu này, đại biểu cho rằng vấn đề lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với dự án này rất quan trọng.

Đại biểu nêu ví dụ, hiện nay chúng ta đang triển khai nhiều dự án trọng điểm của quốc gia; trong đó có cao tốc Bắc – Nam, mặc dù Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng vẫn vướng cả về cơ chế chính sách, các nguồn lực đầu tư, giải phóng mặt bằng… Có thể nói những điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả, thậm chí cả chất lượng của dự án. Do vậy vấn đề lựa chọn nhà đầu tư đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện dự án này.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu và xem xét thật thận trọng khi chọn những nhà đầu tư phải đáp ứng được công nghệ tiên tiến, thật sự đảm bảo đủ năng lực, đảm bảo được nguồn nhân lực chất lượng cao để triển khai một dự án mang tầm thế kỷ.

Băn khoăn về phương án thiết kế 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, kỹ thuật đường ray tốc độ 350km/giờ, trong khi nước ta có địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt đồi núi, sông hồ rất nhiều, có nền đất yếu thì việc chọn phương án thiết kế như vậy có đảm bảo vận tốc hay không.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị làm rõ lý do và cơ sở của việc lựa chọn các vị trí ga của dự án; đánh giá thật kỹ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi để đảm bảo tạo thuận lợi cho người dân nhưng đồng thời cũng đảm bảo mật độ các ga không quá dày.

Các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh chụp màn hình
Các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh chụp màn hình.

Đối với vấn đề hướng tuyến, đại biểu cho rằng chúng ta đang phấn đấu tăng tỷ lệ độ che phủ rừng của cả nước và đảm bảo ổn định diện tích đất lúa đảm bảo an ninh lương thực, nhưng trong dự án thì diện tích rừng, đất trồng lúa cần chuyển đổi để phục vụ cho dự án này cũng khá lớn (242 ha rừng đặc dụng, 652 ha rừng phòng hộ, 1.671 ha rừng sản xuất, 3.655 ha đất trồng lúa). Trong khi đó, báo cáo cũng chưa đưa ra phương án về chuyển đổi diện tích đất này.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nêu rõ, trên thực tế, hằng năm nhiều tỉnh cũng chưa đạt được chỉ tiêu về độ che phủ rừng và khi triển khai nhiều dự án ở các địa phương thì cũng không đạt được vấn đề trồng lại rừng thay thế.

Đại biểu đề nghị Chính phủ trong khi nghiên cứu tiền khả thi, xây dựng hướng tuyến của dự án cần phải khảo sát thật kỹ, đưa ra những phương án so sánh hướng tuyến này thì ảnh hưởng bao nhiêu đất rừng, đất trồng lúa, ảnh hưởng đất ở của người dân để đảm bảo sự so sánh và lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu nhất.

Phân tích dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố nên số người dân bị ảnh hưởng tác động, liên quan dự án này rất lớn; đại biểu cho rằng cần hết sức quan tâm, có phương án đảm bảo về tái định cư cho người dân; đồng thời với đó là phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân để đảm bảo cuộc sống tốt hơn. 

Liên quan đến nguồn lực đầu tư dự án, đại biểu nêu rõ, đây là một trong những dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Hiện nay nước ta đang triển khai nhiều dự án quốc gia quan trọng bằng nguồn vốn đầu tư công; trong khi hầu hết nguồn vốn cho dự án này là từ nguồn đi vay.

Đại biểu đề nghị cần hết sức thận trọng để mà tránh nguy cơ đẩy trần nợ công lên cao. Bên cạnh đó, cần có những phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách cho các dự án đang triển khai và những dự án sẽ triển khai ở những giai đoạn tiếp theo; tập trung các nguồn lực, không để kéo dài các dự án, tránh lãng phí, thất thoát...

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.