Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:

Đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp phép đối với khoáng sản nhóm IV

18:28, 05/11/2024

Chiều 5/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, các đại biểu xem xét, đánh giá và thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản gồm 12 Chương, 116 Điều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Chính phủ thống nhất vẫn quy định cấp phép nhưng đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với khoáng sản nhóm IV (gồm các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ) nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quy định không đưa khoáng sản nhóm IV vào quy hoạch tỉnh. 

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Ảnh: quochoi.vn
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Ảnh: quochoi.vn

Dự thảo Luật cũng quy định, tổ chức, cá nhân sẽ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 1 lần vào đầu năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. 

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Quy định việc UBND cấp tỉnh xem xét khi lập quy hoạch sử dụng đất khoáng sản kết hợp với mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cần phải tuân thủ theo Luật Đất đai.

Chính phủ chỉ đạo rà soát quy hoạch khoáng sản, các quy hoạch, dự án khác có liên quan để bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả, quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc cần khẩn trương xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý để không gây cản trở, chậm trễ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với các nội dung có 2 phương án đưa ra tại Kỳ họp thứ 7 và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, dự thảo Luật thống nhất quy định 1 phương án. 

UBTVQH cũng đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến 2 nội dung:  Về quy định “Mỗi tổ chức được cấp không quá 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, trừ khoáng sản than/khoáng sản năng lượng, giao Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với trường hợp tổ chức đề nghị vượt quá 5 giấy phép thăm dò và về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận tại phiên làm việc, đại biểu cho rằng, khoáng sản là một thành phần quan trọng, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của quốc gia.

Theo dự thảo luật, nhóm 1 gồm kim loại và năng lượng, tuy nhiên chưa phân chia rõ ràng. Trong số đó có những kim loại và năng lượng cực kỳ quan trọng, đóng vai trò thiết yếu khi tiến vào kỷ nguyên số với bán dẫn, xe điện, phòng không và quân sự… Theo đại biểu, không thể đánh đồng tất cả các tài nguyên trong nhóm 1 bởi một số trong đó mang tính chất tài nguyên chiến lược quan trọng. Phải có quy định rõ cho những tài nguyên này.

Với quy định hiện nay có thể chuyển nhượng các dự án thăm dò và khai thác khoáng sản. Điều này dẫn tới rất khó để nắm được ai là người có quyền quản lý và khai thác trữ lượng này, ảnh hưởng đến độc lập, tự chủ quốc gia.

Nhiều quốc gia có quy định rõ ràng chính phủ có thể can thiệp không cho chuyển nhượng dự án nếu liên quan đến khoáng sản chiến lược trong khi dự luật hiện nay mới quy định quản lý chủ yếu do Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh. Đại biểu đề nghị, cần có danh mục những khoáng sản chiến lược quan trọng, đặc biệt quan trọng, tất cả quyết định thăm dò, khai thác, thu hồi… Thủ tướng Chính phủ quyết định, bởi trong một số trường hợp nó đụng đến phát triển lâu dài, chủ quyền dân tộc và an ninh quốc gia.

Đại biêu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến quy định thời hạn khai thác, đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định thời hạn khai thác bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần. Theo đại biểu, quy định về thời hạn khai thác và thời gian gia hạn khai thác khoáng sản là chưa phù hợp với với chủ trương của Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.

Luật Đầu tư quy định là các dự án trong khu vực công nghiệp khai thác không quá 70 năm và ngoài khu vực công nghiệp thì không quá 50 năm. Tuy nhiên, xây dựng cơ bản của dự án cũng đã mất từ 8-10 năm. Trên thực tế thì nhiều dự án khai thác than đã và đang thực hiện, thời gian trên cả đời của dự án vào khoảng trên 40 năm, rất nhiều dự án là 43 - 45 năm, bao gồm cả thời gian để cấp phép và thời gian gia hạn. Thực tế, mỗi lần gia hạn chỉ được 2-3 năm. Như vậy lại vừa làm, vừa chuẩn bị để xin giấy phép gia hạn và việc đề nghị gia hạn thời gian khai thác nhiều lần rất bất cập.

Do đó, đại biểu kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác, khai thác khoáng sản, trữ lượng khoáng sản và căn cứ trên trữ lượng khoáng sản, điều kiện địa chất của khoáng sản, dự án và điều chỉnh quy định về thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm…

Lan Anh (tổng hợp) 
 


Ý kiến bạn đọc