Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:

Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025

18:55, 13/11/2024

Chiều 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết.

Kết quả, với 432/432 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,19% tổng số ĐBQH, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương là 1.020.164 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 946.675 tỷ đồng. Sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng. Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.523.264 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Nghị quyết giao Chính phủ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan trung ương, từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định; thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2025, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2025; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, dự án chuyển tiếp theo tiến độ. Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại được bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025. Ảnh: quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025. Ảnh: quochoi.vn

Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước…

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị của trung ương theo quy định tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội.

Đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu, tính đầy đủ, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí được phân bổ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật liên quan; bảo đảm triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Nghị quyết nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, ĐBQH, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiến hành kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật…

Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; xem xét, đánh giá các tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc