Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:
Tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân
Sáng 5/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương rất nỗ lực trong việc thu ngân sách nhà nước. Các chỉ số thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm có tăng trưởng khá tốt, tình hình thu ngân sách tăng so với dự toán, đảm bảo thu ngân sách bền vững, làm cơ sở để phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán, hiện nay bố trí chi thường xuyên còn thấp, còn nhiều khoản chưa được phân bổ, làm kìm hãm các công cụ kích thích của nền kinh tế.
Chính phủ dự kiến thu ngân sách năm 2024 sẽ tăng 10% so với năm 2023. Trong dự toán ngân sách 2025, Chính phủ yêu cầu tăng thu thêm 5% so với năm 2024. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng một số địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3 cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh và góp phần tăng thu ngân sách.
Đại biểu đề nghị cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời tập trung khai thác các nguồn thu như: sử dụng đất, xổ số kiến thiết, trong đó cần sớm hoàn thiện các chính sách liên quan như bảng giá đất, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai; hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong quá trình thu ngân sách, giải quyết những khó khăn vướng mắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu nêu rõ: Theo dự kiến, đến năm 2025, GDP nước ta vào khoảng 500 tỷ USD, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng đều 7%/năm, đến năm 2035, GDP nước ta sẽ vào khoảng 1.000 tỷ USD, định hướng đến năm 2045 đạt mốc 5.000 tỷ USD để trở thành nước thu nhập cao, phá bẫy thu nhập trung bình. Để thoát được bẫy này, có nhiều công cụ về các khía cạnh như lao động, tái cơ cấu, đầu tư phát triển, tuy nhiên chúng ta chưa quan tâm đúng mức các khía cạnh này.
Theo đại biểu, tuy chúng ta đang duy trì tăng trưởng gần 7%/năm, nhưng chưa đạt được yếu tố bền vững, vì vẫn dựa vào động lực của FDI. Trong khi các doanh nghiệp FDI xuất siêu lớn, thì các doanh nghiệp trong nước nhập siêu. Nếu muốn duy trì nhịp độ phát triển bền vững, cần dựa vào các nguồn lực phát triển trong nước. Hiện nay, chúng ta có hơn 20 Quỹ, có một số Quỹ sắp đóng lại, trong khi một số Quỹ sẽ được mở thêm.
Đại biểu đề nghị tiến hành giám sát các Quỹ để có đánh giá cụ thể, kỹ càng, đảm bảo quản lý, sử dụng một cách hiệu quả. Đại biểu cho rằng, không nên đánh giá Quỹ bằng số lượng dự án, mà cần xem xét hiệu quả của hoạt động của Quỹ, tác động của Quỹ đối với tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế. Đại biểu nhấn mạnh, việc giám sát hoạt động các Quỹ sẽ là tiền đề xây dựng một cơ chế bền vững, việc sử dụng nguồn FDI là cơ hội để tăng trưởng, nhưng không phải là động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình sắp tới.
Về tiết kiệm chi thường xuyên và đầu tư công, đại biểu cho rằng, Chính phủ yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển; để thực hiện được điều này, đại biểu đề xuất thực hiện cắt giảm 5% chi thường xuyên ngay từ đầu năm để tạo thuận lợi cho việc bố trí vốn đầu tư công; cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư trong lập kế hoạch và bố trí nguồn vốn đầu tư công.
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Nhận định các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hiện nay chưa được quan tâm thấu đáo, đại biểu cho biết, đối với định chế Bảo hiểm xã hội Việt Nam, theo báo cáo 647 ngày 15/10/2024 của Chính phủ, tổng số dư đầu năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý chủ yếu là của ba quỹ: Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, chiếm gần 91% tổng số dư các quỹ.
Ước tính đến cuối năm nay số dư nguồn các quỹ tăng khoảng 56.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó số dư của ba quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm gần như tuyệt đối trên 91% tổng số dư các quỹ tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng.
Đại biểu đặt vấn đề: Số dư chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, vấn đề là cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của khối nguồn vốn gần 1,3 triệu tỷ đồng trên thế nào, khả năng bảo toàn và sinh lời của chúng ra sao, theo đó là sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội có hoàn thành không? Theo báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ điều này, kể cả các vấn đề đại biểu khác đề cập, như tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện nay.
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu cho biết: Theo các chuyên gia, chiếm hầu hết trong cơ cấu sử dụng vốn của Bảo hiểm xã hội là khoản mục tài sản trái phiếu Chính phủ Việt Nam, trong khi có rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường nhưng chưa từng được các cơ quan phụ trách, cũng như chính bản thân cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận diện, đo lường và công bố.
Liên quan đến việc điều hành tồn dư tiền gửi Kho bạc nhà nước, đại biểu cho biết, nhờ quyết tâm chính trị, từ năm 2017 Bộ Tài chính chuyển dần theo lộ trình lượng tiền tồn dư của Kho bạc nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ của quốc gia…
Tuy nhiên, trên thực tiễn quá trình triển khai diễn ra chưa thực sự được suôn sẻ, thể hiện ở việc Kho bạc nhà nước tiến hành đấu thầu tiền gửi trở lại ở các ngân hàng thương mại mà có những lúc không phù hợp về thời điểm, về liều lượng, kỳ hạn, hay mức lãi suất chào.
Những việc như vậy nhiều khi đã khiến cho Ngân hàng Nhà nước bị động và gặp khó khăn trong công tác điều tiết cung tiền cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, nhằm hướng tới mục tiêu ổn định tiền tệ và hoạt động của ngân hàng. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát lại những quy định và tháo gỡ những các điểm nghẽn hiện nay một cách tốt nhất…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc