Multimedia Đọc Báo in

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk: Dấu ấn 20 năm xây dựng và phát triển

08:32, 20/12/2024

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Đắk Lắk được thành lập theo Quyết định số 2515/QĐ-UBND, ngày 28/12/2004 của UBND tỉnh với tên gọi là Sở Bưu chính Viễn thông; đến ngày 25/3/2008 được đổi tên thành Sở TT&TT tại Quyết định số 759/QĐ-UBND, ngày 25/3/2008 của UBND tỉnh.

Trải qua nhiều lần bổ sung chức năng, nhiệm vụ và thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đến nay Sở TT&TT có 5 phòng chức năng gồm: Văn phòng Sở; Phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản; Phòng Công nghệ thông tin; Phòng Bưu chính - Viễn thông, Thanh tra Sở và 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc là Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC).

Sở có chức năng, nhiệm vụ chính là tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: báo chí; xuất bản, in, phát hành; phát thanh, truyền hình; thông tin điện tử; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng; giao dịch điện tử… Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay Sở TT&TT đang tham mưu thực hiện nhiệm vụ quan trọng là dẫn dắt công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong hoạt động thông tin cơ sở năm 2024. Ảnh: Huỳnh Sự

Những năm qua, Sở TT&TT đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các đề án, quy hoạch, chương trình, kế hoạch của ngành; tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm gắn với cơ sở để tổ chức thực hiện. Từ đó, từng bước đưa các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Sau 20 năm nhìn lại, đến nay chuyển đổi số đã làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Văn bản giữa các cơ quan nhà nước được gửi, nhận trên môi trường điện tử thay cho phương thức truyền thống. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối liên thông 4 cấp. Hệ thống Một cửa điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn, tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, Sở TT&TT đã tham mưu tích cực trong việc thực hiện tốt các bộ chỉ số quan trọng của tỉnh như: Bộ chỉ số quốc gia đánh giá về chuyển đổi số; chỉ số Cải cách hành chính (Par Index); chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

Việc ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại đã tạo nên hành lang pháp lý hoàn thiện cho hệ thống báo chí, truyền thông của tỉnh phát triển. Hoạt động xuất bản, in, phát hành đáp ứng tốt nhu cầu thụ hưởng văn hóa đọc, nghiên cứu, học tập của cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn.

Các đại biểu nhấn nút công bố ra mắt các dịch vụ giám sát, điều hành đô thị thông minh và giám sát an toàn thông tin tỉnh.

Công tác quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông, Internet, truyền dẫn phát sóng và tần số vô tuyến điện đã có những bước tiến đáng kể, phát huy vai trò trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến nay, thuê bao di động đạt 116,05 thuê bao/100 dân; thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 82,8%; thuê bao Internet băng rộng cố định 22,86 thuê bao/100 dân; hệ thống trạm BTS toàn tỉnh hiện có gần 2.650 trạm; có 13 tuyến cáp quang liên tỉnh với tổng chiều dài trên 1.500 km, hơn 2.750 tuyến nội tỉnh với tổng chiều dài trên 263.000 km kéo về đến trung tâm xã, thôn tạo mạch vòng an toàn thông tin cho hệ thống. Mạng bưu chính công cộng được duy trì và phát triển rộng khắp theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp cung cấp dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh đã triển khai có hiệu quả việc tổng hợp, giám sát, điều hành dịch vụ đô thị thông minh; tổ chức vận hành các hệ thống công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh; thực hiện các nhiệm vụ sự nghiệp về lĩnh vực thông tin và truyền thông; cung cấp các giải pháp, ứng dụng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và các dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn.

Trong thời gian tới, ngành TT&TT sẽ tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, đồng bộ, thực chất và hiệu quả trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; trong đó chú trọng phát triển hạ tầng số và dữ liệu số làm nền tảng cho chuyển đổi số. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về thông tin, báo chí, xuất bản để kiến tạo dòng chảy thông tin trong xã hội; chú trọng truyền thông chính sách; cung cấp thông tin chính thống, thiết yếu định hướng dư luận và đồng thuận xã hội. Phát huy thế mạnh của truyền thông số, tạo đột phá trong hoạt động thông tin đối ngoại, tuyên truyền quảng bá phục vụ phát triển du lịch và thu hút đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk.

Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2009 - 2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong công tác từ năm 2009 - 2011; Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Cờ đơn vị xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2019…

Trương Hoài Anh

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗi đau từ pháo nổ
Khi Tết Nguyên đán cận kề, liên tiếp những vụ tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra trên địa bàn tỉnh đã để lại nỗi đau khôn nguôi. Có không ít trường hợp gặp tai nạn là học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 14 tuổi khiến nhiều em phải chịu những thương tổn vĩnh viễn.