Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ma Thuột với khát vọng vươn tầm

08:06, 02/02/2025

Sau 50 năm kể từ ngày giải phóng, từ một thị xã nhỏ bé, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, TP. Buôn Ma Thuột đang vươn mình bứt phá trở thành đô thị hiện đại, năng động, bản sắc và dần khẳng định vai trò là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Chiến công đi vào lịch sử

Buôn Ma Thuột nằm ở trung tâm của vùng Tây Nguyên, là địa bàn chiến lược quan trọng của khu vực và cả nước. Chính vì lẽ đó, Bộ Chính trị chọn Buôn Ma Thuột làm “đòn điểm huyệt” trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.

Để tạo bất ngờ cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên đã tiến hành một kế hoạch nghi binh rất tài tình. Từ giữa tháng 11/1974 đến đầu tháng 3/1975, những phương án nghi binh được ta triển khai rầm rộ như: huy động công binh, nhân dân mở đường cơ giới, phao tin đánh Gia Lai, Kon Tum...

Mặc dù đã chuyển quân về phía Nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột nhưng ta vẫn giữ nguyên đường dây điện tín, trạm phát, người trực tổng đài, phát, truyền tin tại phía Bắc Tây Nguyên. Địch tin ta chuẩn bị đánh Gia Lai, Kon Tum nên điều động lực lượng lên khu vực này, trong khi đó ở Buôn Ma Thuột không có kế hoạch phòng thủ.

TP. Buôn Ma Thuột dần khẳng định vai trò là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Ảnh: Hữu Hùng

2 giờ sáng 10/3/1975, cuộc tấn công như vũ bão vào các mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột bắt đầu. Sau những trận đánh ác liệt, quân ta giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột, đẩy địch vào thế bị động, bất ngờ, tạo thế tiến công liên tiếp giải phóng An Khê, Kon Tum, Pleiku, Kiến Đức, Gia Nghĩa. Sau khi làm chủ Tây Nguyên (ngày 24/3), các cánh quân của ta tiếp tục phát triển xuống Duyên hải Trung Bộ giải phóng Bình Khê, Phú Yên, Nha Trang - Cam Ranh.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã trở thành mốc son chói lọi, đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây là một trong những chiến công oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Viết tiếp trang sử mới

Không chỉ có những chiến tích oai hùng trong chiến tranh, sau 50 năm giải phóng từ một thị xã nhỏ bé bị chiến tranh tàn phá, đời sống nhân dân khó khăn, Buôn Ma Thuột ngày nay đã trở thành đô thị loại I có vai trò quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Tây Nguyên và cả nước.

Thời gian qua, hàng loạt chính sách được ban hành cho thấy sự quan tâm của Trung ương đối với Buôn Ma Thuột. Đó là Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị với mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 9/7/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 67 của Bộ Chính trị.

Đặc biệt, Nghị quyết số 72/2022/QH15, ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột đã mở ra cơ hội cho TP. Buôn Ma Thuột phát triển bứt phá, tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Tranh thủ nguồn lực được bổ sung tăng thêm từ 45% định mức chi thường xuyên (hơn 336 tỷ đồng hằng năm) cùng với nguồn lực của địa phương, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, chuyển đổi số, hạ tầng đô thị và quản lý nhà nước.

Hiện nay, một số dự án trọng điểm đang được Trung ương và tỉnh tập trung đầu tư như: cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa; đường Hồ Chí Minh tránh Đông; Tỉnh lộ 1 và trên 15 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở khu dân cư đô thị mới. Bên cạnh đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh lập đề xuất chủ trương đầu tư Dự án phát triển đô thị khu vực phía Đông và dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam, có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8.036 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2031.

Đường Võ Nguyên Giáp góp phần đẩy mạnh kết nối, giao thương cho TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thế Hùng

Từ các nguồn hỗ trợ và sự nỗ lực của địa phương, TP. Buôn Ma Thuột đã có những công trình mang tầm vóc của sự vươn mình mạnh mẽ như: đường vành đai phía Tây, đại lộ Đông - Tây, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên... góp phần làm cho diện mạo thành phố khang trang, hiện đại hơn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2023 của TP. Buôn Ma Thuột đạt khoảng 12,19%. Thu nhập bình quân đầu người là 129,7 triệu đồng/năm. Một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hàng không… đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để Buôn Ma Thuột hiện thực hóa khát vọng trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Ðể xứng danh “Thành phố cà phê Của thế giới”

Buôn Ma Thuột là nơi khai sinh của những thương hiệu cà phê lớn như Trung Nguyên, An Thái, Simexco. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ hai năm/lần, mang tầm vóc cấp quốc gia đã thành “thương hiệu” của thành phố cao nguyên này.

Trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”, chính quyền địa phương đang tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh bảo đảm tiêu chuẩn; thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cà phê áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cao để nâng cao giá trị cà phê.

Không gian đô thị TP. Buôn Ma Thuột không ngừng được đầu tư, mở rộng.

Trong xây dựng quy hoạch, TP. Buôn Ma Thuột chú trọng tạo dựng không gian cho nơi trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ cà phê trên địa bàn thành phố. Đây là điều kiện để Buôn Ma Thuột kiến tạo nét riêng biệt khi xây dựng “Thành phố cà phê của thế giới”. Đồng thời, mở rộng sản phẩm du lịch trải nghiệm với cà phê thông qua hợp tác, liên kết giữa cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê với doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh. Để xứng tầm là “Thành phố cà phê của thế giới”, TP. Buôn Ma Thuột đang hoàn thiện kết nối giao thông với các vùng lân cận và cả nước nhằm tạo sự thuận tiện về giao thương hàng hóa và phát triển du lịch.

Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, các quyết sách của Trung ương và kế hoạch thực hiện của địa phương đang mở ra cơ hội cho thành phố. Những thành tựu đạt được không chỉ là niềm tự hào mà còn là tiền đề, động lực để đưa TP. Buôn Ma Thuột ngày càng phát triển, tiến tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là “Thành phố cà phê của thế giới”.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cho biên cương mãi xanh!
Vượt lên nỗi nhớ gia đình, nhớ Tết quê hương, những người lính “quân hàm xanh” luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ giữ bình yên biên giới quốc gia để nhân dân được vui Xuân, đón Tết an toàn.
Trang tin địa phương