Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H’leo - Dấu ấn 45 năm hình thành và phát triển

16:19, 02/04/2025

Qua 45 năm xây dựng và phát triển (03/4/1980 - 03/4/2025), từ một huyện nghèo, xuất phát điểm thấp, Ea H’leo đã vươn lên thành một huyện phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; cơ cấu kinh tế được chuyển dịch mạnh mẽ cả về nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và công nghiệp. Người dân trong huyện có đời sống vật chất và tinh thần phát triển khá, từng bước được nâng cao.

Kỷ niệm 45 năm xây dựng và phát triển huyện là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại những thành tựu đạt được cũng như những khó khăn, thách thức của vùng đất Tây Nguyên sau ngày giải phóng và những năm đầu thành lập huyện. Qua đó để tự hào về sự lao động cần cù, sáng tạo, chịu đựng gian khổ để vươn lên của nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên qua các thế hệ của huyện.

Một góc trung tâm huyện Ea Hleo phát triển khá sầm uất. Ảnh: L. Thành
Một góc trung tâm huyện Ea H'leo ngày nay. Ảnh: L. Thành

Huyện Ea H’leo trước ngày giải phóng là vùng đất Thuần Mẫn, nơi sinh sống của người dân 4 xã phía Bắc của huyện Krông Búk - chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Nơi đây là một trong những cái nôi cách mạng của tỉnh Đắk Lắk, như căn cứ Cư Jú, Cư Kung, Cưlê Gia… Người dân nơi đây đã nhận thức, giác ngộ và đi theo Đảng tham gia phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đến ngày giải phóng. Trong kháng chiến, huyện Ea H’leo từng mang địa danh là H3, sau đó được sáp nhập thành H37 (tức là huyện 37). Là vùng đất có diện tích tự nhiên rộng lớn nhưng mật độ dân số thấp, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; đời sống du canh, du cư là chính. Tiềm năng đất đai màu mỡ nhưng chưa được khai thác, người dân phải chịu cảnh thiếu đói triền miên. Bên cạnh đó tình hình an ninh rất phức tạp, bọn FULRO có vũ trang thường xuyên hoạt động chống phá.

Sau ngày giải phóng, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo ổn định an ninh chính trị; tiềm năng sẵn có được khai thác; tổ chức sản xuất nông nghiệp (trọng tâm là lương thực), để giải quyết đói, nghèo trước mắt cho người dân khu vực Thuần Mẫn (4 xã) và là tiền đề để tiến đến thành lập huyện mới. Ngày 23/09/1978, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 460 về “ Tổ chức lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) đi xây dựng kinh tế ở các tỉnh và thành phố miền Nam”. Dưới sự lãnh đao của Trung ương, tỉnh Đắk Lắk đã quy hoạch vùng kinh tế mới (KTM) Thuần Mẫn và tỉnh Nghĩa Bình đã thành lập Tổng đội TNXP đi xây dựng vùng KTM ở vùng đất này theo sự thống nhất của hai tỉnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung tham gia ngày hội đại đoàn kết với người dân huyện Ea Hleo. Ảnh: L. Thành
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với người dân huyện Ea H'leo. Ảnh: L. Thành

Nhiệm vụ chính của Tổng đội TNXP là khai hoang, xây dựng cơ bản về nhà ở, giếng nước và các cơ sở hạ tầng khác như: đường giao thông, thuỷ lợi, trường học, bệnh viện… để thành lập các xã KTM. Tổng đội TNXP Thuần Mẫn đã khai hoang hàng nghìn hecta đất, xây dựng nhiều cánh đồng ruộng nước, ruộng rẫy và đón hàng nghìn hộ dân từ tỉnh Nghĩa Bình đến xây dựng kinh tế và lập nghiệp.

Ngày 31/3/1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ra Quyết định số 6A, thành lập Đảng bộ cơ sở khu KTM Thuần Mẫn, do đồng chí Nguyễn Duy Nhật làm Bí thư. Ngày 10/4/1979, Tỉnh uỷ ra quyết định số 07 cắt 4 xã phía Bắc Krông Búk cùng Đảng bộ 2 xã KTM hợp thành Ban Cán sự Đảng khu vực Thuần Mẫn, do đồng chí Bùi Tự (Ama Chứ) làm Bí thư. Từ ngày 5 đến ngày 7/9/1979, Đảng bộ khu vực Thuần Mẫn tiến hành đại hội (sau này trở thành Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ huyện Ea H’leo). Đảng bộ xác định mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng huyện bắt đầu từ xây dựng KTM và định canh định cư (ĐCĐC). Đây là mô hình kinh tế - xã hội đầu tiên của huyện Ea H’leo.

Ngày 3/4/1980, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk chính thức được thành lập theo Quyết định số 110 của Chính phủ, gồm 4 xã tách ra từ huyện Krông Búk và 2 xã KTM ( gồm: xã Ea Khal, Dliê Yang, Ea Sol, Ea H’leo, Cư Mốt và Ea Wy). Những năm sau đó thành lập thêm các xã khác là Ea Ral, Ea Hiao, Ea Nam, Cư Amung, Ea Tir và thị trấn Ea Drăng. Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể được kiện toàn và đi vào hoạt động.

Cà phê là một trong những loại cây trồng chủ lực đem lại nguồn kinh tế khá cho người dân huyện Ea Hleo. Ảnh: L. Thành
Cà phê là một trong những loại cây trồng chủ lực, giúp người dân huyện Ea H'leo vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ảnh: L. Thành

Qua 5 năm đầu tiên, nhiệm vụ xây dựng KTM và ĐCĐC đã khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất cho vùng KTM và các xã, các buôn đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được mục tiêu đề ra; nhà ở, giếng nước và các công trình phúc lợi xã hội khác đã hình thành, đời sống nhân dân được ổn định.

Năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nông - lâm nghiệp kết hợp. Ngoài cây lương thực, một số cây trồng mới đã phát triển như cà phê, cao su, hồ tiêu và các loại cây ăn quả khác.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị kinh tế Trung ương trên địa bàn để khai thác triệt để những tiềm năng sẵn có; phát huy tối đa những khả năng, nguồn lực để phát triển sản xuất, đã tạo ra nguồn sản phẩm dồi dào, vừa giải quyết được đời sống nhân dân, vừa có nguồn hàng xuất khẩu, góp phần thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn mà Nghị quyết Trung ương đề ra.

Người dân xã Ea Hiao, huyện Ea Hleo sản xuất cà phê chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ảnh: L. Thành
Ngày nay, nhiều hộ nông dân của huyện Ea H'leo đã nhạy bén trong việc sản xuất cà phê chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: L. Thành

Để phát triển đồng bộ sản xuất giữa hai khu vực (KTM và ĐCĐC), huyện đã thành lập các đội công tác trực tiếp đến các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn về cách thức làm ăn, nhất là kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu… theo mô hình “kinh tế hộ trình diễn”. Nhờ vậy đã thúc đẩy công cuộc ĐCĐC không ngừng phát triển, ngày càng đi vào ổn định. Đồng bào đã quen dần với nếp sống mới của mô hình ĐCĐC, thay đổi những phong tục, tập quán lạc hậu.

Mặt khác huyện đã chỉ đạo thông qua các hình thức liên kết, kết nghĩa giữa các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để xây dựng mối quan hệ  đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhờ vậy mà kinh tế, đời sống giữa các khu vực không còn chênh lệch lớn.

Những năm gần đây mô hình kinh tế chuỗi liên kết phát triển mạnh, đã giúp hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, cung ứng vật tư vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đã thúc đẩy nhiều hộ gia đình giàu lên nhanh chóng, kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện phát triển không ngừng. Kinh tế tư nhân, kinh tế hộ kinh doanh cá thể và kinh tế hộ gia đình trong năm thành phần kinh tế ngày càng lớn mạnh. Cơ cấu kinh tế từ thuần nông đã phát triển đồng bộ giữa nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và công nghiệp, đưa tốc độ kinh tế của huyện phát triển nhanh và bền vững; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ổn định và nâng cao.

Chương trình đầu tư xoá đói, giảm nghèo dưới nhiều hình thức được đẩy mạnh đem lại hiệu quả tích cực, đến nay cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều tiến bộ, nhiều xã đã hoàn thành mục tiêu đề ra, đem lại cuộc sống nông thôn ngày càng thay đổi.

Qua 45 năm hình thành và phát triển, huyện Ea H’leo đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện đã trải qua 11 kỳ đại hội, đem lại những thành quả lớn có ý nghĩa quan trọng. Từ một huyện nghèo đã vươn lên đứng vào tốp đầu của tỉnh Đắk Lắk. Những thành tựu đạt được trên vùng đất này vẫn mãi là niềm tin, niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân để không ngừng phát huy và phát triển trong thời kỳ vươn lên của đất nước.

                                                                             Võ Văn Tập

( Nguyên Tỉnh uỷ viên, nguyên Bí thư Huyện uỷ và Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, nguyên Đại đội trưởng TNXP Thuần Mẫn)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk sẵn sàng vượt thử thách ở mùa bóng mới
Vào ngày 11/4, trái bóng tròn sẽ chính thức lăn trên sân bóng cả nước tại Giải hạng Nhì quốc gia 2025. Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk đã có sự chuẩn bị cần thiết về mọi mặt về chuyên môn, sẵn sàng vượt thử thách ở mùa bóng mới.