Trọng tâm, trọng điểm, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Để bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp với mô hình tổ chức đảng mới sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kịp thời rà soát, tham mưu ban hành các quy chế, quy định, hướng dẫn, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng theo hướng mở rộng phạm vi, toàn diện hơn, bám sát hơn các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm
Thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên trong năm 2025, ngay từ đầu năm 2025, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã chủ động, chủ trì tham mưu ban hành 11 quy định, quy chế, quyết định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Năm 2025 là năm đầu tiên và chưa có tiền lệ, UBKT Trung ương tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành kế hoạch kiểm tra và quyết định triển khai cùng lúc 19 đoàn kiểm tra do các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn một số chuyên đề công tác trọng tâm đối với 69 cấp ủy đảng trực thuộc Trung ương. Qua kiểm tra đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn các tổ chức đảng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng.
![]() |
Đoàn kiểm tra số 1922 của Bộ Chính trị kiểm tra việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. |
Năm 2025 cũng là lần đầu tiên UBKT Trung ương triển khai việc giám sát thường xuyên những vấn đề lớn, hệ trọng ngay từ khi các nghị quyết, kết luận mới được ban hành. UBKT Trung ương đã giám sát thường xuyên việc xây dựng cơ sở dữ liệu đối với 17 bộ, ngành, đơn vị; việc phân cấp, phân quyền, sắp xếp tổ chức và tinh gọn bên trong gắn với thực hiện chính quyền địa phương hai cấp. Đồng thời, thành lập 7 tổ công tác giám sát thường xuyên đối với ban thường vụ đảng ủy các bộ, ngành, báo cáo tiến độ hằng ngày với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư. Nhiều góp ý của các tổ công tác đã đóng góp tích cực vào việc hoàn thành và ban hành 28 nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền của các bộ, ngành.
"Tiếp tục hoàn thiện thể chế, mô hình tổ chức, xây dựng ủy ban kiểm tra các cấp tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là thực hiện chủ trương bố trí chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp tỉnh, cấp xã không phải người địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đáp ứng yêu cầu “giám sát trên dữ liệu, kiểm tra trên dữ liệu” trong toàn ngành, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú. |
Cũng qua công tác giám sát thường xuyên, UBKT Trung ương đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy báo cáo kết quả việc lãnh đạo, chỉ đạo xử lý 226 vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp lên Trung ương, đến nay chỉ còn 30/226 vụ việc đang xử lý, giải quyết.
Từ chỉ đạo của UBKT Trung ương, cấp ủy, các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giám sát thường xuyên việc khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được 19 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ ra trong thực hiện các chủ trương lớn của Đảng.
Tiến tới “giám sát, kiểm tra trên dữ liệu”
Sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 204-QĐ/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 222-KH/UBKTTW của UBKT Trung ương, ngành kiểm tra Đảng đã tập trung thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Ngành kiểm tra Đảng đã chú trọng xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và các quy trình nghiệp vụ lõi, phầm mềm phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, sử dụng phần mềm hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp; rà soát, phân loại, chỉnh lý, thống kê, số hóa văn bản, tài liệu bảo đảm đầy đủ, liên tục, không gián đoạn dữ liệu trước, trong và sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Bên cạnh đó, triển khai ứng dụng số như phần mềm phòng họp không giấy, hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp dùng chung trong các cơ quan đảng; tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị, tố cáo trên ứng dụng VNeID; phần mềm trợ lý ảo hỗ trợ công tác đại hội đảng các cấp, phần mềm sổ tay đảng viên điện tử; thư viện điện tử tích hợp với trang thông tin điện tử.
![]() |
Các đại biểu điểm cầu tỉnh Đắk Lắk tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm 2025. |
Cùng với công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra.
Lần đầu tiên, cấp ủy các cấp thực hiện hiện chủ trương bố trí 100% ủy viên UBKT cấp tỉnh, cấp xã và tương đương là cán bộ chuyên trách và bố trí chủ nhiệm UBKT cấp tỉnh, cấp xã và tương đương không phải là người địa phương.
Dự kiến sau sắp xếp, có 15.727 đồng chí ủy viên chuyên trách, trong đó có 16/34 chủ nhiệm UBKT cấp tỉnh, thành phố và 2.905/3.321 chủ nhiệm UBKT cấp xã và tương đương không phải là người địa phương.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc