Multimedia Đọc Báo in

Võ Văn Kiệt - Người nặng lòng với đất nước và nhân dân

07:01, 27/11/2022

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 11/6/2008), tên khai sinh là Phạm Văn Hòa, bí danh Sáu Dân - người con ưu tú của Nam bộ Thành đồng Tổ quốc.

Ông là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, người đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, mạnh dạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới và cải cách chính sách ở Việt Nam; vị Thủ tướng thứ tư của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (8/8/1991 - 25/9/1997) - người luôn vững vàng trước mọi hiểm nguy, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; một con người bình thường mà phi thường, người có tâm, có dũng, có trí và nhân cách văn hóa đặc sắc, luôn nặng lòng với đất nước và nhân dân.          

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hết lòng vì nước, vì dân; dù bất cứ trên cương vị nào đều lấy mục tiêu phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân làm lẽ sống của mình. Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, trọng dân, thương dân, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn chủ động đến với dân để hiểu dân, học hỏi, bàn bạc với nhân dân, nhằm tìm ra cách làm hiệu quả nhất.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự lễ khởi công Nhà máy thuỷ điện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, ngày 23/11/1995. Ảnh: Tư liệu
Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự lễ khởi công Nhà máy thuỷ điện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, ngày 23/11/1995. Ảnh: Tư liệu

 Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nổi tiếng “phá rào cơ chế”, theo đuổi rất bền bỉ những quyết sách nhằm thúc đẩy kinh tế thị trường, đề cao sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Vào những năm cuối thập niên 70 và đầu 80 của thế kỷ trước, khi đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng, nhân dân đói khổ, thiếu ăn, thiếu mặc…, với tư cách là người đứng đầu TP. Hồ Chí Minh lúc đó, Võ Văn Kiệt đã tiên phong thực hiện thí điểm trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối hàng hóa như: Xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh; trao quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh; thực hiện thương mại hóa tư liệu sản xuất; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân; bãi bỏ “ngăn sông, cấm chợ”, tự do lưu thông hàng hóa…, từng bước đưa TP. Hồ Chí Minh bước vào thời kỳ phát triển năng động, mở đường cho những nhận thức mới trong quản lý, điều hành và phát triển đất nước…, đặt nền móng cả về lý luận và thực tiễn cho sự hình thành đường lối Đổi mới đất nước được thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986).

Trong thời gian làm Thủ tướng (1991 - 1997), là thời kỳ đất nước còn bị bao vây cấm vận, Võ Văn Kiệt giữ vai trò nòng cốt thực hiện chủ trương “phá vây” và thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, ông là người luôn tôn trọng và tranh thủ chất xám của đội ngũ trí thức (kể cả trí thức của chế độ Sài Gòn cũ) nên hầu hết mọi quyết sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Thủ tướng đều có hàm lượng tri thức khoa học của các chuyên gia, học giả hàng đầu, kết tinh những kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân, trở thành một nhân vật nổi bật trong hàng ngũ lãnh đạo của đất nước qua nhiều thời kỳ. Tên tuổi của ông cùng với nhiều cộng sự ở các cấp gắn liền với thời kỳ đổi mới đất nước, từ những quyết sách xóa bỏ cơ chế kinh tế quan liêu, bao cấp đến các công trình đặt nền tảng cho sự phát triển đất nước về sau đều mang đậm tư duy và dấu ấn của ông như: Thủy điện Trị An, khai phá Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam, đường Trường Sơn công nghiệp hóa, nhà máy lọc dầu Dung Quất, thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh...

Nhà ngoại giao Nguyễn Trung, nguyên Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nhận xét: “Điều cốt lõi làm nên Võ Văn Kiệt là lòng yêu nước thương dân, ý chí xả thân vì nước, nghị lực kiên cường, đồng thời biết dựa vào trí tuệ của dân, của nước, của bè bạn để nâng cao không ngừng khả năng thực hiện trọng trách của mình. Hơn thế nữa, sự từng trải đã mang lại cho ông cách nhìn và tầm nhìn nhất thiết ở cương vị người lãnh đạo phải có. Còn một yếu tố con người liên kết chính ông với mọi người chung quanh trong thế giới của ông thành tiếng nói chung, đồng cảm chung, hướng suy nghĩ chung, để có thể cùng đi với nhau trên một con đường, mong muốn cùng nhau làm nên một sự việc, một thành quả..., xa hơn nữa là một sự nghiệp...”. Bởi với ông, từ cuộc sống nông dân đi ra, ông luôn giữ cho mình khả năng trở về với cuộc sống nông dân trong mọi diện mạo. Chỉ ý chí kiên định và trái tim nồng cháy dành cho nhân dân, đất nước là không bao giờ đổi thay... Võ Văn Kiệt đúng nghĩa là con người của đất nước, của nhân dân.   

Minh Đăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.