Biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam
Cách đây 50 năm, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vang dội, làm thất bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ, tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như những “Chi Lăng”, “Hàm Tử”, “Đống Đa”, trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
12 ngày đêm chiến đấu anh dũng
Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, ta giành thắng lợi to lớn trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
Để cứu vãn tình thế, ngày 6/4/1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng... nhưng đều bị đánh bại; cục diện chiến tranh chuyển hướng có lợi cho ta.
Chiến tranh kéo dài khoét sâu thêm những mâu thuẫn trong nội bộ và làm trầm trọng hơn những khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ; trong khi đó, Hội nghị đàm phán bốn bên tại Paris đã kéo dài 4 năm mà Mỹ vẫn chưa tìm được lối thoát. Để cứu vãn Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và tình hình, ngày 14/12/1972, Níchxơn chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh Lainơbếchcơ II (nghĩa là Cứu bóng trước khung thành II). Đế quốc Mỹ đã sử dụng 193 máy bay chiến lược B-52; 1.077 máy bay không quân chiến thuật; 6 tàu sân bay; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.
Tự vệ Nhà máy in Tiến Bộ luyện tập sẵn sàng chiến đấu (1972). Ảnh: TTXVN |
Vào lúc 10 giờ 30 ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc. Từ đó cho đến ngày 30/12/1972 (trong 12 ngày đêm), đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 nghìn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng nghìn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã hủy diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội.
Đó cũng là 12 ngày đêm quân dân ta đã anh dũng chiến đấu dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trung ương Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao, vừa đánh, vừa đàm để sớm giành thắng lợi; vừa tổ chức lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa tổ chức sơ tán dân cư, bảo đảm an toàn. Quân ủy Trung ương đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân vừa tổ chức đánh địch, vừa nghiên cứu, tổng kết, tìm tòi, sáng tạo cách đánh, kịp thời điều chỉnh tổ chức lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phòng tránh, đánh trả, bảo đảm an toàn, hạn chế thấp nhất tổn thất lực lượng, phương tiện, tính mạng, tài sản của nhân dân. Quân và dân Thủ đô đã chủ động chuẩn bị về mọi mặt, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, dũng cảm, kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.
Cùng “chia lửa” với đồng bào miền Bắc, quân và dân miền Nam đã đẩy mạnh tiến công Mỹ - ngụy, triển khai lực lượng, tổ chức chiến đấu trên khắp chiến trường miền Nam, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó trên nhiều hướng, nhiều mặt trận, làm giảm sức chiến đấu của chúng, gây tư tưởng chán nản, hoang mang trong binh lính với các trận đánh chống lại cuộc phản kích của không quân và hải quân Mỹ ở Bình Trị Thiên, Bắc Bình Định, Tây Nguyên; các mặt trận ở Quảng Trị, Nam Bộ, Trung Bộ đều phối hợp tiến công mạnh mẽ, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế bao vây, uy hiếp đối với Mỹ - Ngụy.
Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, quân và dân ta ở miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, bắt sống và diệt nhiều giặc lái. Chỉ hơn 10 ngày, Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công, phần lớn phi công bị chết và bị bắt đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay rất cao. Với việc đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết.
Xác “pháo đài bay” B-52 bị bắn rơi trong đêm 18/12/1972 trên cánh đồng Phủ Lỗ, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh tư liệu |
Phát huy tinh thần Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”
Có thể nói, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được tạo nên bởi sức mạnh tổng hợp từ sự lãnh đạo, trí tuệ, bản lĩnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; trong đó, yếu tố quan trọng là tìm được cách đánh B-52. Cho đến hiện nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới bắn rơi được B-52. Để đánh được “pháo đài bay bất khả xâm phạm”, ta đã tổ chức lực lượng trực tiếp đối đầu với B-52 từ tháng 5/1966, vừa trực tiếp đánh trả, vừa nghiên cứu cách đánh B-52. Cuốn “Cẩm nang đỏ” mang tên “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” ra đời kịp thời, đã đúc kết kinh nghiệm trong gần 7 năm đối đầu với B-52 và các thủ đoạn của Không quân Mỹ, tìm ra cách đánh hay, phù hợp với điều kiện thực tế về vũ khí, trang bị của ta.
50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị. Phát huy tinh thần Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các địa phương trên cả nước đã chủ động phát huy nội lực để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, thực hiện tốt các chính sách xã hội, tạo sự phát triển nhanh, bền vững và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường với những thuận lợi và thách thức đan xen, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì việc phát huy tinh thần chiến đấu và chiến thắng kẻ thù của quân và dân ta, trong đó có chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc, coi trọng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với các nước trên thế giới theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng, cùng có lợi, giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng phương pháp hòa bình; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực với nước khác; thường xuyên nêu cao cảnh giác, sẵn sàng tự vệ, đập tan mọi hành động xâm lược, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ thành quả cách mạng.
Hồng Hà
(Theo Ban Tuyên giáo Trung ương – Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam)
Ý kiến bạn đọc