Hầm chống Mỹ - ký ức một thời
Những năm 1966, 1967, chiến tranh phá hoại diễn ra ác liệt, hầm trú ẩn theo kiểu hố cá nhân không đảm bảo độ an toàn cao, nhất là khả năng chống bom bi, chống vùi lấp. Nó được thay thế bằng loại hầm chữ A (còn gọi là hầm Triều Tiên, một loại hầm tránh bom rất hiệu quả được quân đội Triều Tiên sử dụng trong chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953).
Đó là loại hầm có một phần âm xuống đất, khung làm bằng gỗ hoặc tre ken dày, kết hình chữ A, lót phên, cót hoặc bao bì bên trong, bên ngoài đắp một lớp đất dày, rất chắc chắn và an toàn. Diện tích hầm đủ rộng để kê cái giường dã chiến đủ chỗ cho ba, bốn người nằm (tất nhiên là rất chật chội).
Trẻ em đội mũ rơm ẩn nấp dưới giao thông hào tránh bom Mỹ. (Ảnh: TL) |
Quê tôi ở xã Nam Lâm (nay là xã Xuân Lâm), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nhà tôi đông người nên có những hai cái hầm chữ A như thế, khung hầm làm bằng gỗ phi lao, thầu đâu có sẵn trong vườn nhà. Cửa hầm cấu trúc hình chữ L để tránh bom sát thương, bom bi bắn trực diện vào bên trong.
Thời điểm ác liệt nhất của chiến tranh phá hoại, hầm trú ẩn trở thành nơi sinh hoạt chính của gia đình. Chúng tôi học bài, ngủ nghỉ đều ở trong hầm. Khổ nhất là khi mưa gió, hầm không có khả năng chống thấm. Sau vài trận mưa, nước thấm qua mái hầm đắp bằng đất, ngập lõng bõng đến đầu gối. Bà cháu tôi lại phải kê giường chõng lên mà tránh “lụt”. Rồi thì cả cóc nhái cũng tìm đến hầm làm nơi ẩn nấp. Sợ nhất là rắn, chúng có thể chọn các kẽ hở bên trong hầm tối làm nơi trú ngụ.
Năm 1968, chiến tranh phá hoại diễn ra rất ác liệt, làng tôi phải hứng chịu nhiều trận bom hủy diệt. Để có nơi trú ẩn an toàn cho cán bộ địa phương làm việc hằng ngày, đồng thời sẽ là trạm cứu thương khi cần, xã cho làm một căn hầm tập thể thật to.
Bên trong căn hầm rộng rãi, đủ sức chứa vài ba chục người. Những cây cột, những xà gỗ to đùng tạo cảm giác về sự chắc chắn, vững chãi để ai bước chân vô cũng cảm thấy yên tâm, dù cho ngoài kia bom gào, đạn thét.
Tôi đã từng một lần chứng kiến căn hầm trở thành trạm cứu thương. Sáng sớm hôm ấy, bom Mỹ đánh trúng trận địa pháo 14 ly 5 của bộ đội ta bên Cồn Rộng, ngoài bãi sông. Bom lạc vào làng. Người chết và bị thương rất nhiều. Tôi nhớ trong số đó có cậu em bạn tôi bị bom cắt chân đến đầu gối, đau đớn rên la. Em đã mất vì vết thương làm mất quá nhiều máu.
Rồi chiến tranh đi qua, những căn hầm trú ẩn cũng dần biến mất. Nó chỉ còn trong ký ức của những người đã từng gắn bó với nó, cùng nó vượt lên bom đạn chết chóc của quân thù. Cái hôm sau trận bom khủng khiếp ấy, tôi đã tận mắt nhìn thấy một cảnh tượng mà ngay lúc đó, người lớn cho đến con trẻ đều không thể tưởng tượng nổi. Số là, trong trận bom sáng sớm nói trên ở xóm Vụng, căn hầm chữ A của nhà ông Cu Phấn trông như một chỏm núi nhỏ đứng trơ trọi giữa đống đổ nát mà hai bên sườn núi là miệng của hai hố bom sâu hoắm. Vậy mà bảy người nấp trong căn hầm ấy đã không hề hấn gì.
Ai có thể ngờ, chiến tranh khốc liệt lại có những điều kỳ diệu đến như thế?
Nguyễn Duy Xuân
Ý kiến bạn đọc