Ký ức hào hùng của người dân Đắk Phơi
Trang sử truyền thống vẻ vang của xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đắk Phơi (huyện Lắk) ghi dấu đậm nét những đóng góp to lớn cho cách mạng của người dân nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Khi về Đắk Phơi, chúng tôi tìm đến nhà bà H Griêng Liêng Hót (SN 1946, buôn Pai Ar) lúc bà lùa đàn bò đi ăn về. Ở cái tuổi đã gần 80 nhưng bà H Griêng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn; đặc biệt, khi được hỏi về việc nuôi giấu cán bộ cách mạng trong kháng chiến, bà dường như sống lại những ký ức hào hùng khó phai mờ theo năm tháng.
Bà H Griêng kể: "Khoảng những năm 1960, người dân buôn Pai Ar dù cuộc sống khó khăn trong chiến tranh vẫn chắt chiu nuôi giấu cán bộ. Mỗi buổi sáng, gia đình tôi nấu một nồi cơm lớn cho bộ đội ăn, sau đó chia cơm thành từng nắm bỏ vào lon ghi-gô để họ mang theo ăn trưa. Chiến tranh bom đạn liên miên, hạt gạo hiếm hoi, tôi phải đi bẻ bắp, đào củ mì để độn thêm vào, thức ăn cũng chỉ có rau lang. Những hôm địch không đi càn quét, mấy chị em lại tranh thủ ra suối bắt cá, bắt ốc và lên rừng đào củ mài, bẻ măng về nấu cải thiện bữa ăn cho bộ đội". Cũng có những thời điểm, khi lương thực dự trữ đã cạn kiệt, bên ngoài thì địch bắn phá, cả gia đình lại nhịn ăn để nuôi quân. Không chỉ nuôi giấu cán bộ, bố bà H Griêng còn tham gia cách mạng, cùng bộ đội đánh địch để bảo vệ nhân dân, giải phóng buôn làng.
Bà H Griêng Liêng Hót nhớ lại những năm tháng hào hùng. |
Trong ký ức của bà H Griêng, suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã có bao lớp cán bộ cách mạng được gia đình bà, được người dân buôn Pai Ar nuôi giấu. Đến nay, nhiều người trong số đó còn sống vẫn thỉnh thoảng về thăm gia đình bà, thăm buôn làng, cùng nhau ôn lại những năm tháng khó khăn, gian khổ nhưng hào hùng.
Trú cùng buôn Pai Ar, ông Y Thăn Lông Dưng (SN 1950) cho biết, những năm 1960 - 1965 là thời điểm bộ đội hành quân về địa phương để đào hầm, chiến hào xây dựng vùng căn cứ kháng chiến; đồng thời, vận động nhân dân không theo địch, kêu gọi thanh niên cầm súng chiến đấu. Đến giai đoạn 1966 - 1972 là thời điểm ác liệt nhất, nơi đây diễn ra những trận đánh vô cùng khốc liệt, địch đưa quân càn quét, máy bay rải bom đạn không kể ngày đêm nhằm thực hiện ý đồ xóa trận địa căn cứ cách mạng. Không chỉ thế, với âm mưu chặn đứng việc tiếp viện cho cách mạng, khi phát hiện người dân trồng sắn, lúa, bắp… quân địch liền ném bom, rải chất độc hóa học để phá hết cây trồng.
Những năm tháng đó, nhà bố ông Y Thăn được xem là cơ sở cách mạng đầu tiên ở buôn Pai Ar. Như bao gia đình khác ở trong buôn, gia đình ông trở thành nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng của cả tỉnh và huyện. Khi đó, dù chỉ mới 10 tuổi nhưng Y Thăn đã cùng cha và người dân trong buôn tham gia đánh giặc. Những ngày tạm vắng tiếng súng, ông vào rừng chặt lồ ô để vót chông, đào củ mài hay lội suối bắt ốc, cá để mẹ và các chị nấu ăn cho bộ đội; thậm chí thức khuya, dậy sớm gùi nhu yếu phẩm, đạn dược... vào rừng để tiếp tế cho cách mạng.
Ông Y Thăn Lông Dưng (bên trái) vẫn hăng hái tham gia sản xuất. |
Kể lại quãng thời gian đó, ông Y Thăn vẫn nhớ như in: “Giữa cái đói và sự càn quét của quân địch, đời sống của người dân hết sức khó khăn, cơm không đủ ăn, muối không đủ dùng, phải lấy lồ ô non đốt lấy tro hòa với nước thay muối; áo không có mặc phải lấy vỏ cây đập dập đan làm áo ấm. Nhà cửa thì mỗi năm phải di dời, dựng lại không biết bao nhiêu lần vì bị địch phát hiện, bắn phá… Thế nhưng, người dân trong buôn vẫn đùm bọc nhau, che chở bộ đội, không có gia đình nào là không nuôi giấu cán bộ”.
Năm 17 tuổi (năm 1967), noi gương bố và các cán bộ cách mạng, Y Thăn xung phong vào bộ đội và tham gia chiến đấu đánh giặc tại Huyện đội H10 (nay là Huyện đội Lắk). Đến ngày 17/3/1975, toàn bộ khu vực quận lỵ Lạc Thiện (nay là huyện Lắk) được hoàn toàn giải phóng, người dân nơi đây lại khắc phục khó khăn, xây dựng cuộc sống mới, ông Y Thăn tiếp tục tham gia xây dựng chính quyền xã, trải qua các vị trí Chủ tịch, Bí thư xã… đến năm 2006 thì nghỉ hưu.
Chiến tranh đi qua, những gia đình tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng nay có người mất, người còn. Song, những câu chuyện về sự dũng cảm, hy sinh, kiên cường chống giặc ngoại xâm, một lòng đi theo cách mạng của họ vẫn mãi lưu truyền trong tâm thức thế hệ trẻ.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc