Multimedia Đọc Báo in

Đồng chí Lương Khánh Thiện - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

11:15, 12/10/2023

Đồng chí Lương Khánh Thiện là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và lý tưởng cao đẹp của Đảng.

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13/10/1903 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay thuộc phường Liêm Chính, TP. Phủ Lý), tỉnh Hà Nam.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; tận mắt chứng kiến cuộc sống khổ cực của nhân dân dưới ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ thực dân phong kiến đã giúp cho người thanh niên Lương Khánh Thiện sớm hình thành nhân cách, nghị lực và lý tưởng cách mạng cao đẹp.

Từ năm 1923 đến 1925, đồng chí Lương Khánh Thiện rời quê ra thành phố Hải Phòng xin vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng (lúc đó thường gọi là Trường Bách nghệ). Đồng chí sớm hòa nhập và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh.

Tháng 3/1926 đồng chí Lương Khánh Thiện vào làm thợ cơ khí tại nhà máy Sợi (Nam Định). Tại đây, chứng kiến cuộc sống của công nhân, người lao động bị giới chủ vắt kiệt sức, đồng chí đã vận động công nhân thành lập Hội Tương tế, Hội Ái hữu… để đoàn kết, thống nhất đấu tranh đòi quyền lợi và giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn về đời sống. Đồng chí luôn đi sát với công nhân, tuyên truyền giáo dục để họ nhận thức nguồn gốc sự áp bức, bóc lột dã man.

Năm 1927, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Năm 1928, đồng chí trở lại Hải Phòng, thực hiện chủ trương “vô sản hóa” ở Nhà máy Sợi, Nhà máy Chai. Đồng chí đã tích cực đưa lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào các phong trào yêu nước; vận động, thu hút công nhân tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, hướng tới việc thành lập Đảng Cộng sản.

Sau khi được kết nạp vào Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng (tháng 4/1029), đồng chí được phân công phụ trách cơ sở Nhà máy Chai và trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân. Các cuộc bãi công của công nhân kéo dài hằng tuần và được hưởng ứng rộng rãi trên địa bàn Hải Phòng, buộc giới chủ phải chấp nhận nhiều yêu sách của công nhân. Lo ngại sự bùng phát của các cuộc đấu tranh, bãi công nên chính quyền thực dân lùng bắt những người lãnh đạo phong trào công nhân, trong đó có đồng chí Lương Khánh Thiện.

Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng” tại Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903 - 13/10/2018). (Ảnh: TTXVN)
Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng” tại Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện. Ảnh: TTXVN

Tháng 6/1929, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt, đưa về giam ở nhà lao Hải Phòng; địch đã dùng mọi thủ đoạn, hình thức tra khảo, đánh đập nhưng không thể khai thác được gì. Ngày 20/6/1929, chính quyền thực dân Pháp đưa đồng chí Lương Khánh Thiện về xử ở tòa đề hình tại thị xã Kiến An và kết án 2 năm tù giam, 5 năm đi đày biệt xứ.

Ngày 29/1/1931, chính quyền thực dân Pháp đã mở phiên tòa kết án đồng chí Lương Khánh Thiện mức án khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), để chờ ngày đưa đi đày nhà tù Côn Đảo.

Tháng 7/1931, đồng chí Lương Khánh Thiện và nhiều tù nhân chính trị bị địch đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo, bị giam ở Banh 2 cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Cừ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh… Đồng chí Lương Khánh Thiện cùng với những chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng; tổ chức học tập nâng cao kiến thức, lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền bá chủ nghĩa cộng sản...

Trước sự hà khắc, đày ải của nhà tù Côn Đảo, những người tù chính trị ở Banh 2 quyết định kêu gọi anh em đoàn kết, thống nhất đấu tranh. Ban Lãnh đạo chung toàn Banh được thành lập, đồng chí Lương Khánh Thiện được bầu vào Ban đại diện tù nhân Banh 2. Qua thực tiễn đấu tranh gian khổ trong lao tù, đã giúp đồng chí trở thành một trong những người lãnh đạo các phong trào đấu tranh cách mạng.

Năm 1936, Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Đông Dương phát triển mạnh mẽ, buộc thực dân Pháp phải trả tự do cho các tù nhân chính trị. Tháng 9/1936, đồng chí Lương Khánh Thiện được trả tự do và bước vào chặng đường đấu tranh mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng.

Trở về Hà Nội, từ cuối năm 1936 đến năm 1937, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng tập thể Xứ ủy lâm thời và Thành ủy Hà Nội đã tích cực lãnh đạo các phong trào dân chủ, dân sinh. Đồng chí còn tham gia lãnh đạo các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng ủng hộ, đưa người tham gia tranh cử vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ (tháng 1/1937) và đã trúng cử với số phiếu cao.

Đặc biệt, trong việc tổ chức cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động tại khu Đấu Xảo, Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô), nhằm biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân và nông dân, trên cương vị Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lương Khánh Thiện đã đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo tập hợp lực lượng quần chúng tham gia.

Tháng 1/1941, trên đường đi công tác để nắm tình hình, chỉ đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt. Trước mọi cực hình tra tấn liên tục của kẻ thù, Đồng chí vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất. Biết không thể khuất phục được đồng chí Lương Khánh Thiện, ngày 1/9/1941, thực dân Pháp đã xử bắn Đồng chí tại chân núi Áng Sơn (Kiến An, Hải Phòng).

Hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí Lương Khánh Thiện là hiện thân tiêu biểu của tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cống hiến trọn đời cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và hạnh phúc của Nhân dân.

Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu

Cuộc đời hoạt động, cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, trong các cao trào cách mạng từ năm 1930 đến 1941, thể hiện vai trò tiên phong của một nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Từ yêu nước đến giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đồng chí Lương Khánh Thiện hoạt động không mệt mỏi xây dựng các căn cứ, khôi phục, phát triển tổ chức đảng và phong trào cách mạng, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong cấp ủy các cấp từ chi bộ cơ sở, đảng bộ các thành phố lớn, đảng bộ liên tỉnh, lãnh đạo xứ ủy, thành ủy, khu ủy. Ở cương vị nào, Đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước Đảng và Nhân dân.

Trên cương vị Bí thư Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội, cuối năm 1936, đồng chí Lương Khánh Thiện đã tham gia sáng lập Ủy ban sáng kiến, làm nhiệm vụ khôi phục cơ sở cách mạng, củng cố tổ chức đảng ở Bắc Kỳ và bắt mối liên hệ, quy tụ các đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng; chỉ đạo củng cố và hoàn thành việc kiện toàn Xứ ủy. Nhờ có sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lương Khánh Thiện và các đồng chí trong Xứ ủy, tính đến tháng 9/1937, Bắc Kỳ đã xây dựng được tổ chức đảng ở 12/24 tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Phủ Lý, Hà Đông, Cao Bằng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Lạng Sơn).

Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý). Ảnh: Báo Hà Nam
Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý). Ảnh: Báo Hà Nam

Tháng 9/1937, Xứ ủy Bắc Kỳ chính thức được thành lập, đến tháng 11/1937 đổi thành Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ (lãnh đạo các tỉnh Bắc Kỳ và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Đồng chí Lương Khánh Thiện thôi giữ chức Bí thư lâm thời; tiếp tục giữ cương vị Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bên cạnh việc tích cực chỉ đạo và đóng góp nhiều công lao trong xây dựng Đảng bộ, lãnh đạo khôi phục, phát triển tổ chức đảng ở Hà Nội, đồng chí Lương Khánh Thiện đã chỉ đạo phát triển tổ chức quần chúng, phong trào dân chủ và các phong trào đấu tranh công khai trong tình hình mới.

Tháng 9/1939, đồng chí Lương Khánh Thiện được phân công bí mật lên Cát Trù, Cẩm Khê của tỉnh Phú Thọ để xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị địa bàn cho hoạt động bí mật của Đảng. Từ cuối năm 1939, thay mặt Xứ ủy, đồng chí Lương Khánh Thiện đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng, quyết định thành lập ba chi bộ đầu tiên của tỉnh Phú Thọ; đồng thời chỉ đạo thành lập chi bộ ở Nhà máy Bột giấy Việt Trì; cả bốn chi bộ này đều do Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp lãnh đạo.

Trên cơ sở những chi bộ đảng mới được thành lập và những tổ chức cách mạng đã có, thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện đã tổ chức Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời Phú Thọ (tháng 3/1940), đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng ở Phú Thọ, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh đẩy mạnh phong trào cách mạng và tiến tới phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh ngày 25/8/1945, góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Cuối năm 1940, được sự tín nhiệm, phân công của Đảng, đồng chí Lương Khánh Thiện nhận trọng trách làm Bí thư Khu B (còn gọi là Liên tỉnh B) và Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Ngày 10/6/1940, lãnh đạo Khu B đã quyết định thành lập Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Hải Dương, đánh dấu sự phát triển của các tổ chức đảng ở Khu B.

Với cương vị Bí thư Khu ủy Khu B và Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Lương Khánh Thiện đã thấy được những khó khăn trước mắt và đặt quyết tâm lớn cùng với lãnh đạo Thành ủy phải khôi phục lại phong trào, hoạt động theo nguyên tắc tuyệt đối bí mật, đồng thời tăng cường bám sát địa bàn để tuyên truyền vận động nhân dân. Từ đó, các tổ chức đảng được khôi phục, tinh thần đấu tranh của quần chúng được nâng cao; nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra. Các cuộc đấu tranh đã gây tiếng vang, cổ vũ các phong trào công nhân, nông dân, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trên bất kỳ cương vị lãnh đạo nào, đồng chí Lương Khánh Thiện đều nêu cao quyết tâm cách mạng, bám sát thực tiễn, xây dựng cơ sở, phát triển phong trào. Những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng, nhất là trong những thời điểm khó khăn, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của Đảng, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bảo vệ Đảng, đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.