Tìm hiểu lịch sử qua “Bình Ngô đại cáo”
Năm 1428 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” lãnh đạo đã chiến thắng nhà Minh; Lê Lợi lên ngôi lập ra nhà Hậu Lê. Tổng kết 20 năm sự nghiệp chống nhà Minh, Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo” để lưu truyền hậu thế.
Tên gọi các vương triều
Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, bộ máy nhà nước phong kiến ở Việt Nam và Trung Quốc gần như giống nhau về hình thức tổ chức, hoạt động, thiết chế quyền lực từ Trung ương đến địa phương. “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần mở mang dựng nước; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đứng vững một phương”; tuy nhiên việc đặt tên triều đại thì hoàn toàn khác nhau “Núi sông bờ cõi đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác”. Ở Việt Nam, người khai quốc lấy họ của mình đặt tên triều đại. Năm 938, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán, lập ra nhà Ngô; Đinh Bộ Lĩnh – Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân và lập ra nhà Đinh (968 - 980); Lê Đại Hành lập ra nhà Lê (Tiền Lê 981 - 1009); Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý (1010 - 1225); Trần Cảnh mở đầu của vương triều Trần (1226 - 1400); Hồ Quý Ly lập ra nhà Hồ (1400 - 1407). Từ sau 1407 nước ta rơi vào ách thống trị của nhà Minh.
Ở Trung Quốc, các vương triều khi thành lập thì thường đặt tên theo lối “chiết tự” hoặc mang hàm ý sâu xa khác của từ ngữ, ví như Tần Doanh Chính lập ra nhà Tần (221 TCN) xưng là Thủy Hoàng đế 始皇帝 hay Tần Thủy Hoàng nghĩa là vua đầu tiên trong chế độ phong kiến tập quyền Trung Quốc; Lưu Bang lập ra nhà Hán 漢 (206 TCN), Hán là tên cộng đồng tộc người chiếm số lượng đông nhất ở Trung Quốc; nhà Đường 唐 do Lý Uyên lập ra năm 618, có nghĩa là ngôi nhà lớn… Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh 明 năm 1368 (chữ minh gồm nhật và nguyệt) nghĩa là ánh sáng, hào quang. Nhà Minh tồn tại đến năm 1644, với 16 đời vua thường gọi là nhà Ngô.
Nhà Minh hay nhà Ngô
Trong cuốn “Mười Hoàng đại đế Trung Quốc”, Lưu Huy chủ biên (NXB Văn học tái bản lần 3 ngày 24/3/2010) ghi rõ: “Khi mới lên ngôi (1368) Chu Nguyên Chương tự xưng là Ngô vương; đến năm 1367 Chu Nguyên Chương đổi niên hiệu là Ngô nguyên niên” (trang 701, 707). Còn ở sách “Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước” (NXB Quân đội nhân dân, xuất bản ngày 18/4/1973) của Nguyễn Lương Bích, bản nguyên âm chữ hán trong “Bình Ngô đại cáo” Nguyễn Trãi đã ghi rõ là Minh:
“… Khoảnh nhân Hồ chính chi phiền hà,
Trí sử nhân tâm chi oán bạn;
Cuồng Minh tứ khích, nhân dĩ độc ngã dân;
Ngụy đảng hoài gian, cánh dĩ mại ngã quốc”,
Bản dịch của Nguyễn Lương Bích:
“…Gần đây, nhân họ Hồ chính sự phiền hà;
Khiến trong nước nhân dân oán hận;
Quân cuồng Minh thừa dịp hại dân;
Đảng ngụy gian manh tâm bán nước”. (trang 636, 637).
Cũng theo tư liệu trên ở trang 664: “Ngô tức Minh, Chu Nguyên Chương là vua đầu nhà Minh đã nổi lên ở đất Ngô, sau khi diệt nhà Nguyên đóng đô ở Kim Lăng (vùng đồng bằng sông Dương Tử) là đất Ngô cũ, cho nên nhà Minh cũng gọi là nhà Ngô, nước Minh gọi là nước Ngô, quân Minh là quân Ngô”.
Sách “Minh thực lục – Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc thế kỷ XIV – XVI” (NXB Hà Nội 2019), nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân ghi: “Thời Tam Quốc (Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô), thì vùng đồng bằng sông Dương Tử được gọi vùng Đông Ngô hay gọi là Tôn Ngô vương (đất của Tôn Quyền), sau khi lập vương triều Chu Nguyên Chương đóng đô ở đất của Tôn Quyền nên xưng là “Ngô vương”.
Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo”, ý tứ rõ ràng người đương thời hiểu rõ đó là nhà Minh (1368 - 1644). Với cách nhìn nhận của Nguyễn Trãi, nước ta và Trung Quốc là láng giềng muôn đời không thể khác, có lúc vui, lúc buồn, phải trầm lặng để nghĩ về lợi ích tối thượng lâu dài, vì sự an yên cho dân tộc. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá văn tài “Bình Ngô đại cáo”: “Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn; văn là chính trị: chính trị là cứu nước, cứu dân, nội trị, ngoại giao; mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi thẹn nghìn thu”.
Võ Hữu Lộc
Ý kiến bạn đọc