“Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị”
Ai đến thăm Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị cũng đều dừng lại, chăm chú lắng nghe giới thiệu về bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, nguyên phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân.
Bức ảnh được chụp vào khoảng cuối tháng 8/1972, khi cuộc chiến tại Thành cổ Quảng Trị vẫn đang tiếp diễn ác liệt.
Hướng dẫn viên thuyết minh: trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6/1972 – 16/9/1972), Đoàn Công Tính là phóng viên duy nhất - kể cả hai phía - cố lọt qua lưới lửa dày đặc để vào Thành cổ ghi lại chiến tích anh hùng ở chiến địa ác liệt có một không hai này. Con đường vào Thành cổ lúc đó thật gian nan, song ông Tính đã kiên trì thuyết phục cơ quan có thẩm quyền và được hai o du kích tên là Lệ và Hảo dẫn đường vượt sông Thạch Hãn trong một đêm, khi mặt sông lấp lánh dưới ánh hỏa châu.
Thành cổ Quảng Trị ngày ấy bị tàn phá tới mức không còn một viên gạch nào nguyên vẹn. Vừa đến bờ Nam sông Thạch Hãn, nghệ sĩ nhiếp ảnh gặp ngay trận mưa các loại đạn nã vào đội hình. Đêm ấy, ông đã chụp rất nhiều hình ảnh về cuộc chiến khốc liệt. Đến 6 giờ sáng hôm sau thì được chỉ huy cho chiến sĩ thông tin Lê Xuân Chinh dẫn đường. Thấy Chinh có nụ cười rất tươi, ông Tính bảo Chinh cầm khẩu B40, ngồi gần chính diện máy ảnh, bấm máy ở nhiều góc với những khoảnh khắc khác nhau. Khi tấm ảnh cuối cùng vừa được bấm xong thì cũng là lúc tiếng bom rít qua…
![]() |
Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Đoàn Công Tính |
Trước khi rời khỏi Thành cổ, Đoàn Công Tính đã ghi những dòng chữ lên giấy rồi bọc vào những cuốn phim: “Nếu chẳng may tôi hy sinh, xin nhờ mang giùm 10 cuốn phim này về Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, Hà Nội”.
Bức ảnh này đã được kịp thời đăng tải trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân, trở nên nổi tiếng bởi phản ánh rõ nét tinh thần lạc quan, ý chí chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ Thành cổ, là những tài liệu sống cực kỳ quý giá giúp cho phái đoàn ta tại hội nghị Paris giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao.
Hơn 30 năm sau khi bức ảnh ra đời, phóng viên kỳ cựu Đoàn Công Tính đã gặp lại nhân vật chính trong bức ảnh của mình vào năm 2004, trong dịp tới Điện Biên dự lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Mới hay, anh Lê Xuân Chinh bị thương sau khi được chụp ảnh một ngày, phải chuyển ra tuyến sau điều trị, ngày về bị kẻ gian móc túi lấy hết giấy tờ, nên không được hưởng một chế độ gì. Đây là một cuộc gặp đầy ý nghĩa, bởi sau đó các giấy tờ của anh Chinh được xác minh lại, giúp anh được cấp thẻ thương binh hạng 4/4. Nhiều đồng đội, nhà hảo tâm biết hoàn cảnh của anh đã giúp gia đình dựng căn nhà Tình nghĩa…
Với chúng tôi, những người làm báo hôm nay, được nghe những câu chuyện cảm động chung quanh bức ảnh lịch sử, càng đinh ninh tâm niệm: nghề báo đầy những thử thách nghiệt ngã, đòi hỏi phải trau dồi bản lĩnh kiên định, vững vàng. Điều cốt yếu, muốn gắn bó thủy chung thì phải luôn coi trọng nghề nghiệp, dốc sức cống hiến phục vụ công chúng. Biết hy sinh, chấp nhận mọi khó khăn gian khổ để tu dưỡng, rèn giũa nghề ngày càng sáng hơn, tinh hơn, để có được những tác phẩm sống mãi với thời gian.
Đỗ Thị Ngọc Diệp
Ý kiến bạn đọc