Đa dạng, sáng tạo các hình thức dạy học mùa dịch
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm việc dạy và học, các trường học ở xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) triển khai đa dạng, linh hoạt các phương án dạy học phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của học sinh…
Trường Tiểu học Sơn Phong có hai điểm trường với 10 lớp, 211 học sinh, trong đó có 122 học sinh dân tộc thiểu số (chiếm 57,8%). Qua đăng ký đầu năm học mới, ở khối lớp 1 đến lớp 4 tại điểm trường chính có 71/93 học sinh đăng ký học trực tuyến (chiếm 76,3%), có 26 học sinh học qua Zalo (chiếm 12,3%); còn là học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì học theo hình thức giao bài.
Thầy Nguyễn Văn Thuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do đặc thù ở vùng nông thôn đang trong thời điểm thu hoạch vụ mùa và gieo trồng vụ thu đông, nhà trường đã bố trí linh hoạt giờ dạy học trực tuyến cho học sinh theo yêu cầu của phụ huynh; thay vì dạy vào giờ hành chính thì các thầy cô đã chọn khung giờ từ 19 giờ đến 21 giờ để lên lớp.
Cách làm này được phụ huynh rất ủng hộ; nhất là ở khối lớp 1, lớp 2, để tiện quản lý việc học của con em, đã có 96% phụ huynh đăng ký cho con em mình học trực tuyến vào khung giờ nói trên. Đối với hình thức học qua Zalo, các giáo viên cũng đã vận dụng tính năng tương tác, sau mỗi tiết dạy các thầy cô đều gọi điện thoại kiểm tra học sinh để nắm bắt tình hình tiếp thu, khả năng hiểu bài của học sinh…
Phòng dạy trực tuyến khối lớp 5, Trường Tiểu học Cẩm Phong. |
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên lớp 1A, Trường Tiểu học Sơn Phong chia sẻ: Để phụ huynh học sinh nắm bắt được hình thức học trực tuyến, ngoài việc phổ biến quy chế tham gia lớp học thì trước mỗi buổi học 15 phút, cô đều thông báo cho phụ huynh truy cập vào đường link của lớp, kiểm tra thiết bị, đường truyền dẫn, chuẩn bị đồ dùng học tập… Do học sinh lớp 1 là lớp đầu cấp tiểu học, trong lúc giảng bài cô tận dụng mọi điều kiện để tương tác với học sinh, tập cho các cháu biết chào, thưa mỗi khi trả lời câu hỏi của cô, để cô trò gần gũi như đang học tập trung tại lớp.
Trường Tiểu học Cẩm Phong có bốn điểm trường, 31 lớp, 859 học sinh; trong đó có 324 học sinh đăng ký học trực tuyến, chiếm 37,7%. Theo cô Phan Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, học sinh người dân tộc thiểu số tại trường chiếm hơn 2/3, kinh tế gia đình các em còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo có sự tương tác giữa cô, thầy với trò, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, Ban Giám hiệu nhà trường đã họp bàn thống nhất chỉ áp dụng hai hình thức: dạy học trực tuyến và giao bài.
Thiết kế bài giảng trực tuyến của cô Phan Thị Thu Nga lớp 3A ,Trường Tiểu học Sơn Phong. |
Để phát huy tối đa hình thức dạy trực tuyến, nhà trường đã bố trí đường truyền Internet dẫn đến 5 phòng với đầy đủ các trang thiết bị (ti vi màn hình lớn, camera giám sát, máy vi tính…). Những khối lớp vượt sĩ số theo quy định được chia học theo khung giờ phù hợp; trong mỗi tiết học, ngoài giáo viên dạy trực tiếp thì các giáo viên trong khối đều tập trung tại phòng dạy trực tuyến để theo dõi và quản lý học sinh do mình làm chủ nhiệm lớp. Sau mỗi buổi học, các thầy cô sẽ trao đổi với nhau để rút ra kinh nghiệm bổ sung cho những buổi học sau. Cách làm này đã khắc phục được một số hạn chế khi dạy học trực tuyến, giúp mọi hoạt động của lớp học đi vào nền nếp…
Về hình thức giao bài, UBND xã Hòa Phong đã quyết định sử dụng lực lượng trong Ban Phòng, chống dịch COVID-19 của xã làm tình nguyện viên, phối hợp với các thầy, cô đến giao bài cho học sinh. Dù vậy, việc đến nhà giao bài cho học sinh cũng rất khó khăn, vất vả bởi nhiều em theo gia đình lên nương rẫy, nhiều hôm giao bài xong các cô về đến nhà thì trời đã tối mịt….
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc