Tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức dạy và học trực tiếp
Nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước ổn định tâm lý cho giáo viên cùng học sinh thông qua việc tổ chức dạy và học trực tiếp đang được ngành giáo dục và chính quyền các cấp quan tâm.
Bắt đầu từ ngày 28/3, các trường THCS trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột tổ chức dạy và học trực tiếp cho học sinh khối lớp 9. Điều này đã đem đến niềm vui và cơ hội tiếp xúc bạn bè cho các em học sinh cuối cấp.
Em Trần Thị Thu Hương, học sinh lớp 9A6, Trường THCS Lương Thế Vinh hào hứng: “Ban đầu em và gia đình cũng lo lắng khi dịch bệnh vẫn chưa dứt mà đi học trực tiếp tại trường, nhưng hiện tại, em thấy rất ổn. Gặp lại bạn bè sau một thời gian dài xa cách vì học trực tuyến, em thấy các bạn trưởng thành, cao lớn và vui vẻ hơn. Đây là những ngày học ý nghĩa của chúng em”.
Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh, TP. Buôn Ma Thuột học trực tiếp tại trường trong mùa dịch. |
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh và giáo viên thì hầu hết các em đều mong muốn được đến trường để học trực tiếp. Cô Phan Thị Bích Mười, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh cho biết, trở ngại của việc tổ chức dạy và học trực tiếp hiện nay vẫn là yếu tố dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu làm tốt công tác chuẩn bị thì nhà trường, học sinh, giáo viên, phụ huynh sẽ ứng phó tốt, thích ứng linh hoạt với các tình huống.
“Năm học 2021 - 2022 sẽ kết thúc vào ngày 4/6, nghĩa là các học sinh chỉ còn khoảng 2 tháng nữa để học, nhưng thực tế thời gian học chỉ còn 1,5 tháng, thời gian còn lại là ôn tập, kiểm tra. Đây là thời điểm quan trọng để các cơ sở giáo dục ôn tập, củng cố kiến thức cho các em sau thời gian dài học trực tuyến để đánh giá công tâm kết quả học tập của cả năm học”. bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT |
Thực tế, trẻ không đến trường vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Chị N.T.H. ở phường Ea Tam cho biết, đầu tháng 3, cả gia đình chị mắc COVID-19. Nguồn lây được xác định là từ ba mẹ sang con bởi hầu hết thời gian con ở nhà học trực tuyến, ít ra ngoài và tiếp xúc với người khác. Hiện tại, các trường chưa tổ chức học trực tiếp nên gia đình chị phải sắp xếp công việc để trông con. Chị rất mong trường học mở cửa để các con được đến trường.
Không thể phủ nhận việc dạy và học trực tuyến là lựa chọn tối ưu với ngành giáo dục trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, thời gian học trực tuyến kéo dài cũng gây ra những tác động tiêu cực đến kết quả giáo dục trên các phương diện như hiệu quả học tập, tâm lý học sinh, giáo viên… Theo đánh giá của một số cơ sở giáo dục, sau khi tổ chức học trực tiếp các trường đã ghi nhận một số em có dấu hiệu trầm cảm, ngại giao tiếp, trong giờ học không tập trung…
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tính đến ngày 6/4/2022, có 10 huyện có văn bản chỉ đạo cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn học trực tiếp là: Krông Pắc, Ea Kar, Buôn Đôn, Krông Năng, M’Drắk, Lắk, Krông Bông, Ea Súp, Krông Búk, Krông Ana. Riêng khối lớp 9 và 12, tỷ lệ tổ chức học trực tiếp đạt 100%.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đến trường trong mùa dịch. |
Để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục, huyện Krông Pắc đã tổ chức dạy và học trực tiếp từ ngày 4/4/2022, thực hiện đối với nhóm trẻ 5 tuổi bậc mầm non, bậc THCS, THPT.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, huyện luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức dạy học cho học sinh. Địa phương có chủ trương tổ chức dạy học trực tiếp cho các bậc học nhưng quyền quyết định vẫn là phía các cơ sở giáo dục. Chính quyền địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ để ứng phó tốt với công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho học sinh.
Trên phương diện quản lý ngành, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hoạt động dạy học trên toàn tỉnh đang có chiều hướng dịch chuyển từ trực tuyến sang trực tiếp, phù hợp với xu thế chung của ngành giáo dục cả nước.
Sở đang kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành kế hoạch mới về thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục tăng cường hình thức dạy học trực tiếp, từng bước bình thường hóa với dịch bệnh.
Đồng thời, kiến nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, giao quyền để các cơ sở giáo dục chủ động tổ chức hình thức dạy học linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh tại địa phương, trường học.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc