Multimedia Đọc Báo in

Vươn tới thủ phủ cà phê toàn cầu (kỳ 1)

08:06, 03/08/2022

Vượt lên giá trị về kinh tế, cà phê Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk còn mang dấu ấn lịch sử, văn hóa với sứ mạng “kết nối toàn cầu”. Xây dựng một Buôn Ma Thuột khác biệt gắn với cà phê trở thành thương hiệu đô thị độc đáo là khát vọng lớn để Buôn Ma Thuột vươn tầm thế giới.

Kỳ 1: Từ đô thị buôn làng đến vị thế trung tâm vùng

Sau 47 năm giải phóng, đặc biệt kể từ khi thực hiện Kết luận số 60-KL/TW và Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, từ một buôn làng xa xưa của người Êđê, Buôn Ma Thuột đang vươn mình trở thành một đô thị giữ vai trò quan trọng của vùng.

TP. Buôn Ma Thuột không ngừng được đầu tư đồng bộ về kết nối hạ tầng giao thông. Ảnh: Hoàng Gia.

Lợi thế và tâm thế

Được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I tại Quyết định số 288/QĐ-TTg ngày 08/02/2010, Buôn Ma Thuột không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Đắk Lắk mà còn là đô thị có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên. Cũng từ năm 2010, sau khi có Kết luận 60-KL/TW của Bộ Chính trị, Buôn Ma Thuột đã có những bước tiến vượt bậc, từng bước khẳng định là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng.

Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột khẳng định: Nhờ lợi thế về vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động liên kết các địa phương trong khu vực, cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội. Trong giai đoạn 2010 - 2020 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố đạt hơn 96.000 tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 9,16%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt hơn 22.100 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2010. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị Buôn Ma Thuột đạt 75,79% (diện tích là 5.912/7.800 ha so với diện tích đất xây dựng đô thị theo quy hoạch chung thành phố).

Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều dự án trọng điểm như: đường vành đai phía Tây Buôn Ma Thuột, đường Ðông Tây, Khu liên hợp thể thao vùng Tây Nguyên, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, đường Trần Quý Cáp, hồ thủy lợi Ea Tam… được Trung ương và tỉnh tập trung đầu tư xây dựng, trong đó nhiều dự án, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, tạo cho Buôn Ma Thuột ngày càng khang trang, hiện đại.

Thu hút đầu tư các dự án xây dựng đô thị góp phần giúp TP. Buôn Ma Thuột ngày càng khang trang. Ảnh: Hoàng Gia

Nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đô thị Buôn Ma Thuột là động lực, hạt nhân thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của mỗi vùng, mỗi địa phương và toàn vùng Tây Nguyên, tại Kết luận số 426-KL/TU ngày 27/8/2021 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 26/10/2012 của Tỉnh ủy đến năm 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa được các yêu cầu nhiệm vụ về phát triển đô thị tỉnh Đắk Lắk theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, tập trung phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị đầu mối kết nối với các trung tâm kinh tế, xã hội khu vực trong tỉnh, "đảm nhận" được vai trò lan tỏa, dẫn dắt sự phát triển vùng Tây Nguyên.

 

“Điều kiện tự nhiên lý tưởng gắn với vị thế trung tâm vùng, cùng các giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách của chính quyền địa phương các cấp cũng như sự đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột có đầy đủ nền tảng để biến khát vọng xây dựng thương hiệu đô thị mang tầm vóc quốc tế trở thành hiện thực trong tương lai” - KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.

Đồng bộ, đồng lòng

Ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết luận định hướng phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý trung tâm vùng, tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Xác định phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng là điều kiện tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh Đắk Lắk cũng đang tập trung triển khai, thực hiện Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030; kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Theo đó, TP. Buôn Ma Thuột với vai trò là đô thị hạt nhân trong hệ thống các đô thị của tỉnh; giai đoạn tới, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đô thị, huy động các nguồn lực phát triển, cải tạo khu đô thị hiện hữu, thực hiện xây dựng mở rộng, lấp đầy dự án các khu đô thị mới. Đồng thời, tỉnh cũng đã trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột tạo động lực để phát triển thành phố nhanh và bền vững, theo đúng định hướng, mục tiêu của Kết luận 67. 

Trong quá trình đô thị hóa, TP. Buôn Ma Thuột vẫn giữ được nhiều khoảng xanh trong lòng đô thị. Ảnh: Hoàng Gia

Tại Hội thảo “Phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; Phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia”, được tổ chức ngày 27/5/2022, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hùng khẳng định: Bên cạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị Buôn Ma Thuột trong hệ thống đô thị tỉnh, vai trò kết nối liên vùng trong định hướng quy hoạch tỉnh cũng đề ra phương án phát triển các khu chức năng; đóng vai trò lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và cả tỉnh nói chung theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra những chuyển biến, sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk.

Ông Vũ Văn Hưng tin tưởng, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/4/2021 và HÐND tỉnh Ðắk Lắk đã thông qua Đề án xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nhiều giải pháp lớn như quy hoạch mở rộng địa bàn thành phố; phân cấp nguồn lực và thẩm quyền cho thành phố; huy động các nguồn lực để xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối với vùng duyên hải, đặc biệt là cảng biển của Khánh Hòa. Tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương bố trí thêm nguồn lực cho phát triển giao thông, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho Buôn Ma Thuột đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai...

(Còn nữa)

Kỳ 2: Mã “DNA” của đô thị Buôn Ma Thuột

Lê Hương - Lê Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.