Multimedia Đọc Báo in

"Đòn bẩy" cho doanh nghiệp khởi nghiệp

16:15, 01/09/2022

Trong bối cảnh nền kinh tế đang bị khủng hoảng trầm trọng do đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp là đối tượng cần nhất "đòn bẩy" để tạo đà vươn lên, vượt qua khó khăn.

Tìm cơ hội khởi nghiệp

"Cơn bão" dữ mang tên "COVID-19" đã khiến nhiều DN khởi nghiệp, kể cả những DN đã và đang hoạt động ổn định phải điêu đứng, thậm chí gục ngã do không thể chống chọi được. Bởi thực tế cho thấy, DN khởi nghiệp thường có khả năng chống chịu kém hơn khi nền kinh tế trở nên bất ổn. Nhìn vào báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 670 DN đăng ký thành lập mới, nhưng có đến 86 DN giải thể và 552 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, điều đó không thể nói lên tất cả, bởi trong khi nhiều DN khởi nghiệp gặp bất lợi, vẫn có một số mô hình kinh doanh lại trở nên hấp dẫn và duy trì được mức tăng trưởng. Đây cũng chính là nét độc đáo trong bức tranh phong phú và đa dạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đại diện UBND tỉnh và Trường Đại học Tây Nguyên ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập, xây dựng, vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh.

“Trong cái khó ló cái khôn”, đó không chỉ là xu hướng mà còn là hướng đi phù hợp của phần lớn các startup còn trụ được sau "bão" COVID-19. Trong số đó phải kể đến Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE, một DN khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống từ cây ca cao và cà phê được sáng lập năm 2019 với thương hiệu MISS EDE. Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, các sản phẩm của MISS EDE chủ yếu bán lẻ cho khách du lịch. Tuy nhiên, năm 2020, việc bán lẻ cho khách du lịch nước ngoài gần như đóng băng hoàn toàn khi có dịch COVID-19. Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc công ty chia sẻ, thay vì chấp nhận thất bại, MISS EDE đã tập trung nghiên cứu, đưa ra thị trường bộ sản phẩm sôcôla và cà phê hòa tan được nhiều đối tác bán lẻ lớn, người tiêu dùng nội địa ưa chuộng. Hiện nay, bộ sản phẩm này được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng lớn. Bí kíp của đội ngũ MISS EDE chính là tận dụng cơ hội mà dịch COVID-19 mang lại. Trong đó ưu tiên chuyển đổi số trong kinh doanh và gia tăng sự hiện diện cho thương hiệu tại các điểm bán lẻ nội địa cao cấp, các sàn thương mại điện tử và bán lẻ du lịch nội địa.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khó khăn khủng hoảng luôn có những cơ hội xuất hiện và DN nào nhanh nhạy, thay đổi kịp với thời cuộc thì có thể mang lại giá trị mới, đột phá. Minh chứng là có những DN đã vụt sáng tăng trưởng trong thời gian gần đây. Nhiều DN khởi nghiệp đưa ra những dự án trực tiếp giải quyết những nhu cầu bức thiết trong tình hình mới, ứng dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường như công cụ dạy học/phòng học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến hay tận dụng lợi ích mà các sàn thương mại điện tử mang lại…

“Đòn bẩy” chính sách

Để giúp DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp vực dậy sau đại dịch COVID-19, thời gian qua UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với tiến trình chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời chú trọng gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tỉnh còn kết nối, lồng ghép các nguồn lực phù hợp để hoạt động hiệu quả Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk và tổ chức các hoạt động khuấy động phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Nhiều kế hoạch, chương trình, đề án được UBND tỉnh ban hành nhằm tạo “đòn bẩy” chính sách cho các DN khởi nghiệp. Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đặc biệt là giải pháp hỗ trợ phát triển DN, DN khởi nghiệp sau đại dịch. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đến đông đảo cán bộ, công chức, các tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh, DN và nhân dân trên địa bàn bước đầu đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp trong phong trào khởi nghiệp. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ thành lập DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và các thủ tục đầu tư cho DN khởi nghiệp; hỗ trợ tham gia các gian hàng tại hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại để trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp được các cấp lãnh đạo quan tâm, chú trọng, tổ chức hiệu quả, tạo hiệu ứng tốt. Các sở, ngành, đơn vị liên quan đã hỗ trợ 28 DN, hợp tác xã tham gia các chương trình hội chợ tại các tỉnh, thành phố, từ đó thúc đẩy hoạt động kết nối cộng đồng khởi nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE tăng cường các hoạt động trưng bày, giới thiệu  sản phẩm để gia tăng sự hiện diện cho thương hiệu. 

Mới đây, UBND tỉnh và Trường Đại học Tây Nguyên đã ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập, xây dựng, vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh. Được triển khai theo định hướng của Bộ Chính trị và của tỉnh, việc hình thành và phát triển trung tâm này nhằm khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh, thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước, quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, từ đó góp phần phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng và quốc gia. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nguyễn Tuấn Hà hy vọng, với sự ra đời của Trung tâm, tỉnh Đắk Lắk sẽ tìm kiếm được nguồn lực mới, dư địa mới để tăng trưởng bền vững, thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ, đưa những ý tưởng vào phục vụ cuộc sống.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 670 DN thành lập mới. Số lượng DN thành lập mới tăng 18,17% so với cùng kỳ năm ngoái và số DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng 30,74%. Số lượng DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao so với cùng kỳ năm trước đã cho thấy những tín hiệu tích cực của việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN của tỉnh trong thời gian vừa qua.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.