Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch đô thị: Minh bạch là tất yếu!

07:48, 30/10/2022

Sự việc UBND TP. Buôn Ma Thuột đề nghị Hội đồng thẩm định xem xét một số công trình, dự án  trên địa bàn chưa phù hợp Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 -2030 đang thu hút quan tâm của dư luận.

Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên, một địa phương thể hiện thái độ quyết liệt trong thực thi tổ chức và giám sát quy hoạch phát triển đô thị, vấn đề đã được đề cập từ lâu song không nơi nào mạnh dạn làm được.

Căn cứ để TP. Buôn Ma Thuột “mạnh tay lập lại” hoạt động quy hoạch là Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025. Với việc loại bỏ hàng loạt dự án, công trình không phù hợp, và đề xuất các dự án, công trình khác cấp thiết thực tiễn hơn đã thể hiện một quyết tâm và năng lực kiểm soát, giám sát quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng của địa phương.

Không để mâu thuẫn và phá vỡ cái chung

Một chuyên gia tư vấn khu vực Tây Nguyên chia sẻ, chớ vội cho rằng TP. Buôn Ma Thuột “sửa sai”. Đây là kiểu lý luận đang lan tràn trên mạng xã hội đánh giá công tác quy hoạch, tham mưu phát triển của địa phương trong thời gian qua là “có vấn đề”, nên địa phương phải chấp nhận cải sửa. Một số nhà đầu tư đã có mặt tham gia vào công cuộc chỉnh trang hạ tầng, phát triển đô thị tại Buôn Ma Thuột cũng theo góc nhìn này, hoài nghi vào hoạt động đầu tư ở địa phương trong thời gian tới. Nếu cứ công bố quy hoạch, rồi sửa đổi, gạch bỏ những dự án, công trình đã tổ chức, kêu gọi, thì quả là khâu quản lý của địa phương có vấn đề, không thể gây dựng được niềm tin bền vững ở giới đầu tư được.

Định hướng hình thành những khu đô thị mới theo đúng tầm nhìn quy hoạch tương lai là yêu cầu tất yếu với TP. Buôn Ma Thuột hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế những dự án, công trình đã đệ trình, thông tin quy hoạch ở TP. Buôn Ma Thuột thời gian qua là có cơ sở. Một số dự án thậm chí thể hiện tầm nhìn, định hướng nhu cầu phát triển đô thị, mở rộng phạm vi Buôn Ma Thuột ra ngoài, khá tích cực. Có điều, trong bối cảnh kinh tế biến động, tình hình đầu tư thực tiễn và tốc độ phát triển của địa phương cần điều chỉnh, việc bám vững những dự án, công trình “đi trước” không còn phù hợp nữa. Một số công trình khi đi vào tổ chức lại cho thấy năng lực còn hạn chế của bộ phận tham mưu, tổ chức triển khai, năng lực của nhà đầu tư, và sự thiếu tương thích với thị trường, nhu cầu xã hội. Trong khi đó, có những hạng mục phát triển khác, dự án đầu tư mới, phù hợp tình hình hơn, rất cần được triển khai nhanh để nắm cơ hội, lại không được đề xuất trước đây, cần được bổ sung và điều chỉnh.

Theo đó, động thái “loại bỏ những cái chưa phù hợp, bổ sung những cái rất cần thiết” của TP. Buôn Ma Thuột là rất đáng ghi nhận, trong bối cảnh nhiều tỉnh thành các địa phương hiện nay, dù lúng túng, bị mắc míu trong lịch sử đầu tư hạ tầng, phát triển các đô thị nhưng vẫn không thể và không dám thay đổi. Không thể vì những đề xuất đã có, có cả sự lạc hậu hay vội vã, mà để xảy ra mâu thuẫn và phá vỡ quy hoạch chung, là tinh thần chính yếu được TP. Buôn Ma Thuột dứt khoát thể hiện.

Minh bạch để tốt hơn!

Điều có lý của dư luận, là nhìn nhận tại sao Quyết định 249 mãi đến 8 năm sau mới được kiên định rà soát, và thời gian còn lại của tầm nhìn liệu có phù hợp, hay Đắk Lắk – Buôn Ma Thuột lại phải xin điều chỉnh? Đồng thời, việc bổ sung, thay đổi quy hoạch mới như vậy, có thể hiện đúng tinh thần công khai, minh bạch một cách bền vững chưa?

Ngay Bộ Xây dựng, trong tầm nhìn chiến lược phát triển toàn diện, cũng từng nhìn nhận, công tác quy hoạch, công khai minh bạch quy hoạch phát triển các tỉnh thành, tập trung ở mảng đầu tư xây dựng hạ tầng, lâu nay cũng chưa được tỏ tường. Nhiều địa phương luôn có tình trạng công bố quy hoạch vừa xong đã điều chỉnh, khiến các nhà đầu tư và người dân lao đao. Thậm chí, có biểu hiện một số hoạt động mời gọi đầu tư hạ tầng, nhất là chuyển nhượng bất động sản, “ăn theo” các dự án công trình quy hoạch có sự điều chỉnh này, làm lợi cho các nhóm lợi ích thay vì bảo vệ quyền lợi cư dân bản địa.

Buôn Ma Thuột cần thể hiện tầm nhìn quy hoạch hiệu quả và minh bạch. Trong ảnh: Đô thị Buôn Ma Thuột trên đường phát triển. Ảnh: Hữu Hùng

Từ góc độ này, Bộ Xây dựng và Trung ương từ lâu đã luôn tỏ thái độ kiên định, yêu cầu các địa phương lập nghiêm tình hình, hạn chế tối đa sự can thiệp điều chỉnh quy hoạch, đánh giá rất kỹ những đề xuất thay đổi trong quy hoạch đã có. Điều này, khi đối chiếu với quyết định mới đây của chính quyền TP. Buôn Ma Thuột, rõ ràng càng làm rõ hơn quyết tâm địa phương trong mục tiêu minh bạch hơn nữa các hoạt động tổ chức và giám sát quy hoạch.

Một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk nhìn nhận, thực tế thị trường bất động sản địa phương thời gian gần đây đang thể hiện nhiều góc nhìn tiêu cực hơn, nhất thiết cần có được sự quan sát, thái độ kiên quyết của tỉnh về công tác quy hoạch phát triển. Những yếu kém “vùng” đã có từ lâu, như hạ tầng y tế, giáo dục, hoạt động hạ tầng giao thương, trong đó có hệ thống logistics về hàng hóa mậu dịch, hạ tầng các khu, cụm dân cư, đô thị mới không được hoàn bị… rất cần được điều chỉnh ngay và đầu tư khẩn trương hơn. Cho nên, việc thay thế, loại bỏ những dự án, công trình không còn phù hợp thực tiễn, thậm chí khi triển khai cho thấy có khuyết thiếu, và thay thế những dự án, công trình mới phù hợp nhu cầu, định hướng phát triển hơn, là điều rất cần thiết.

Chính quyền tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột, vì tầm nhìn chung, tinh thần cải tổ mà mạnh dạn hành động, thực sự là tín hiệu rất tốt cho địa phương, trong tầm nhìn và trách nhiệm vận động, phát triển đầu tư hiện nay, tạo cơ hội để địa phương thu hút tốt hơn các dự án đầu tư mới, minh bạch và hiệu quả!

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.