Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai 9X khởi nghiệp từ mật ong lên men

08:12, 07/12/2022

Là người năng động, nhạy bén nên từ khi còn là sinh viên của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, chàng trai Ngọc Anh (SN 1997, thôn 9, xã Ea Ngai, huyện K'rông Búk) đã kiếm thêm thu nhập bằng cách thu mua nông sản, như: tiêu, cà phê, bơ, sầu riêng… từ địa phương để bán sỉ lại cho các cửa hàng, chợ tại Hà Nội.

Công việc này đã phần nào giúp Anh có nguồn thu để trang trải cuộc sống trong suốt quá trình học tập của mình. Cũng từ đó, Anh dần yêu thích và đam mê kinh doanh lúc nào không hay. Cuối năm 2019, sau khi ra trường, thay vì thi vào các cơ quan nhà nước làm việc như bao bạn bè khác, Anh lại lựa chọn trở về quê hương khởi nghiệp, theo đuổi đam mê kinh doanh. Thời gian đầu, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Anh chủ yếu bán các loại nông sản địa phương thông qua Facebook, Zalo.

Trong quá trình tìm kiếm, định hướng sản phẩm khởi nghiệp của mình, Anh nhận thấy mật ong địa phương có nhiều tiềm năng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, nhu cầu thị trường lớn. Để tăng giá trị sản phẩm mật ong sau thu hoạch, Anh đã nghiên cứu quy trình lên men cho mật ong thô. Sau nhiều lần nghiên cứu thất bại, đến năm 2020, Anh đã thực hiện thành công quy trình lên men, cho ra đời sản phẩm mật ong lên men Bon Bon. Đồng thời, đầu tư máy móc, thiết bị phát triển sản xuất và thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại Thiên Long.

Đỗ Ngọc Anh kiểm tra quy trình sản xuất mật ong lên men của công ty.

Theo Anh, mật ong thô là yếu tố quan trọng giúp quá trình lên men thành công, do đó công ty trực tiếp liên kết với các cơ sở sản xuất mật ong thô đã có chứng nhận an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng sẵn có. Mật ong sau khi thu hoạch sẽ được thực hiện quy trình diệt khuẩn để đảm bảo trong mật không quá nhiều nước; tiếp đó đến công đoạn loại bỏ vi khuẩn, tạp chất và tiến hành lên men thông qua sự trợ lực của men vi sinh, trong 45 - 60 ngày sản phẩm sẽ được hoàn thành. Để cho ra sản phẩm lên men, người làm phải đảm bảo được những điều kiện cần thiết về thời gian, độ ẩm, độ pH, nhiệt độ, môi trường lên men... Như vậy, sản phẩm lên men mới thành công, tạo ra nhiều vi khuẩn có lợi cho sức khỏe người dùng. Những vi khuẩn có lợi này sẽ là điều kiện tiên quyết giúp đường ruột được bổ sung khối lượng lớn lợi khuẩn, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

“Bước đầu thực hiện ý tưởng, mình gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, lại không am hiểu về sản xuất, trong khi đó, kiến thức, tài liệu về quy trình lên men cho mật ong không nhiều nên mất thời gian dài nghiên cứu, tham khảo thêm tài liệu nước ngoài được các chuyên gia công bố. Đồng thời, mình còn tham gia các hoạt động, chương trình khởi nghiệp trong tỉnh để học hỏi, tìm chiến lược kinh doanh phù hợp. Khi sản phẩm hoàn thiện, mình tích cực đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các nền tảng thương mại điện tử; liên kết với các đại lý bán hàng trên toàn tỉnh để tạo nguồn tiêu thụ ổn định”, Anh chia sẻ.

Dự án mật ong lên men Bon Bon của Đỗ Ngọc Anh góp mặt trong vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022.

Với những tác dụng tốt cho sức khỏe nên sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng, thị trường rộng mở, qua đó, giúp doanh thu công ty đạt 1,6 tỷ đồng trong năm 2021. Theo ước tính của Anh, doanh thu của công ty đạt 2 tỷ đồng trong năm 2022, trong đó, lợi nhuận chiếm 20 – 30%. Là sản phẩm tâm đắc của mình, Anh đang xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh.

Lựa chọn gắn bó và phát triển nông sản địa phương đã tạo thành công bước đầu cho con đường khởi nghiệp của chàng trai này. Tuy nhiên, để đứng vững và phát triển hơn nữa, Anh đang tiếp tục học hỏi, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng, trau chuốt từng sản phẩm, phát huy tối đa hiệu quả sản phẩm giúp cải thiện sức khỏe cho người tiêu dùng.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.