Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc Cư Êwi

15:58, 25/01/2023

Những năm gần đây, với sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Cư Kuin, sự đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn xã, Cư Êwi đã có sự đổi thay rõ nét.

Theo Chủ tịch UBND xã Cư Êwi Nguyễn Quốc Viện, đổi thay ấy có được là do bên cạnh việc phát huy sức mạnh nội lực, đoàn kết vượt khó của toàn thể Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn xã, Cư Êwi luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát, quan tâm, hỗ trợ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện ngay từ những ngày đầu thành lập. Đặc biệt hơn cả, những năm gần đây, để tháo gỡ “rào cản” về hạ tầng, giao thông, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Cư Kuin đã có những trợ lực kịp thời trong công tác xây dựng cơ bản, tạo động lực để Cư Êwi phát triển kinh tế, xã hội.

Tuyến đường huyết mạch nối xã Cư Êwi với trung tâm huyện Cư Kuin được quan tâm đầu tư xây dựng, người dân vui mừng phấn khởi .

Sau nhiều năm chịu cảnh “nắng bụi, mưa lầy”, tuyến đường liên xã nối Cư Êwi đến trung tâm huyện đã được huyện bố trí kinh phí trên 14 tỷ đồng, triển khai thực hiện vào năm 2020 và đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Cùng với đó, nỗi lo tai nạn rình rập từ cây cầu gỗ dân sinh (thường gọi là cầu Chăn nuôi) xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay cũng đã được xóa bỏ. Huyện đã bố trí 10 tỷ đồng để xây mới cây cầu độc đạo nối xã Cư Êwi với các xã lân cận và trung tâm huyện, bảo đảm an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương giữa các địa phương trên địa bàn huyện.

Trong suốt quá trình dựng xây dựng và phát triển, xã Cư Êwi cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài huyện. Trong đó phải kể đến Công ty Xây dựng 470 (Sư đoàn 470, Binh đoàn 12) luôn theo sát, hỗ trợ xây dựng nhiều công trình có ý nghĩa thiết thực như: hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng thôn 1A với tổng mức đầu tư 1,8 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa lại phòng học và xây dựng công trình sân khấu sinh hoạt văn hóa ngoài trời với tổng kinh phí 140 triệu đồng…

Cầu Chăn nuôi, xã Cư Êwi sau nhiều năm xuống cấp đã được huyện Cư Kuin bố trí kinh phí xây mới, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, giao thương.

Thực hiện chương trình nông thôn mới, người dân xã Cư Êwi đồng thuận ủng hộ, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành tốt các tiêu chí đề ra. Hiện, xã cũng đã tiến hành kêu gọi xã hội hóa xây dựng chợ trung tâm xã với số vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, dự kiến thực hiện vào năm 2023 góp phần nâng cao tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn. Đến nay, Cư Êwi đã đạt 15/19 tiêu chí và phấn đấu về đích nông thôn mới trước năm 2025.

Phấn khởi trước sự “thay da, đổi thịt” của quê hương, ông Hoàng Xuân Hưởng (66 tuổi, thôn 1A) chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm và bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng đi lên. Mùa xuân năm nay, sẽ là một mùa xuân đầy niềm vui và hy vọng với mỗi người dân Cư Êwi, đánh dấu bước ngoặt cho sự phát triển, chuyển mình của một vùng quê mới”.

Minh Khang

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.