Multimedia Đọc Báo in

Nhếch nhác cảnh quan hồ Ea Kao

07:53, 15/05/2023

Với cảnh quan khá đẹp, hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những điểm thu hút nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ tìm đến trải nghiệm, ngắm cảnh. Tuy nhiên do du lịch tự phát, nhiều người thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự công cộng, khiến cảnh quan nơi đây trở nên nhếch nhác.

Đi dã ngoại, nhiều nhóm khách thường chọn những bãi trống bằng phẳng ven hồ, nhóm lửa nấu nướng, ăn uống, hát hò thâu đêm rồi "vô tư" ra về, để lại lổng chổng những chiếc bếp tạm được làm từ đá, gạch ám khói đen kịt, vương vãi túi ni lông, giấy lau, thức ăn thừa…

Người dân địa phương hay đi tập thể dục khu vực quanh hồ cho hay, cứ sau một đêm lại thấy thêm một lượng rác đáng kể xuất hiện ở các khu vực đất trống tại lòng hồ, lòng đường. Rác còn tràn lan trên các bãi cỏ, thậm chí xuống tận mép nước hồ. Vào những dịp nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ dài ngày, lượng khách đổ về đông, tình trạng này diễn ra nhiều hơn, khiến nhiều bãi đất trống mát mẻ ven hồ biến thành bãi rác hôi thối đầy ruồi nhặng.

Những bãi rác tự phát ven hồ Ea Kao gây ô nhiễm.

Một điều đáng nói nữa là nơi đây có bảng cấm bán hàng rong, cấm đỗ xe, nhưng thực tế thì ngược lại. Lòng đường ven hồ bị chiếm dụng thành nơi bán hàng rong, nơi dừng, đỗ xe máy, ô tô khiến người dân qua lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Nguồn thức ăn, nước uống bán rong khó kiểm soát chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vào mùa nắng nóng…

Tình trạng đậu, đỗ xe ngay lòng đường quanh bờ hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trước tình trạng trên, mong rằng ngành du lịch và chính quyền địa phương sẽ có những giải pháp khắc phục. Đồng thời, hy vọng mỗi người dân, khách du lịch luôn có ý thức giữ gìn môi trường, vệ sinh chung, không chỉ mỗi tại hồ Ea Kao mà còn ở bất kỳ một điểm đến nào.

Bình Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.