Multimedia Đọc Báo in

Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số: Chú trọng chiều sâu và hiệu quả

07:01, 14/11/2021

Triển khai Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2017 – 2021” theo Quyết định 1163/QĐ-TTg, ngày 8-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai thực hiện với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú.

Để huy động các cấp, ngành cùng vào cuộc, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, UBND các cấp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào DTTS; biên soạn, cấp phát trên 9.700 cuốn sổ tay hỏi - đáp về Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và 20.000 tờ rơi tuyên truyền pháp luật đều bằng song ngữ Việt - Êđê tại các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình tại buôn Ea Puk, xã Ea Sô, huyện Ea Kar (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về pháp luật, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn về công tác dân tộc nhằm cung cấp, cập nhật các vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc cho đội ngũ cán bộ các cấp, người có uy tín, cán bộ đoàn thể chính trị - xã hội tại cơ sở. Đồng thời, cấp phát các ấn phẩm báo, tạp chí cho người có uy tín vùng đồng bào DTTS.

Tại buôn Kwang A (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ), với trên 98% dân số là người DTTS, để bà con hiểu, đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng đòi hỏi sự kiên trì, mềm dẻo trong công tác tuyên truyền, vận động theo phương thức “mưa dầm thấm lâu”.

Nắm bắt thực tế này, nhiều năm qua, ông Y Khuê Ayun, Trưởng buôn Kwang A luôn gương mẫu đi đầu trong mọi việc. Để “nói dân hiểu, làm dân tin”, ông đã tự nguyện hiến 400 m2 đất cho buôn xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đồng thời cùng cấp ủy, ban tự quản, các đoàn thể buôn tổ chức họp dân, phân tích rõ lợi ích, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, phát huy quy chế dân chủ cơ sở.

Đối với những trường hợp “chưa thông”, ông trực tiếp “gõ từng nhà” để vận động. Với vai trò là trưởng buôn, ông còn khuyến khích bà con phát triển kinh tế theo mô hình đa cây, đa con; vận động các hộ giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19; xóa bỏ dần quan niệm “trời sinh voi, sinh cỏ”, thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Buôn H'mông (xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar) được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cuộc sống (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Bao Phạm Ngọc Tiên cho biết, toàn xã có 6/18 thôn, buôn đồng bào DTTS. Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào DTTS đóng vai trò quan trọng, Đảng ủy xã đã chỉ đạo sát sao và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Hằng năm, xã đã phối hợp tổ chức phát động quần chúng tại các buôn DTTS; gặp gỡ, động viên già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo; tổ chức ngày hội đại đoàn kết dân tộc, các hoạt động văn nghệ, thể thao. Đảng ủy xã cũng chỉ đạo cấp ủy, ban tự quản, đoàn thể triển khai công tác tuyên truyền, vận động phù hợp bằng nhiều hình thức như: họp dân, sinh hoạt thường kỳ, tuyên truyền miệng hoặc chia theo từng đối tượng.

Nhờ vậy, phần lớn đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín đều phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Huy Quang khẳng định: Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động tại các buôn đồng bào DTTS; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của từng vùng DTTS với phương châm “ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và đúng pháp luật”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.