Multimedia Đọc Báo in

Dầu của Nga vẫn chảy sang EU qua các tuyến hàng hải bí ẩn

17:40, 12/09/2022

Bất chấp bị phương Tây trừng phạt, dầu của Nga vẫn chảy sang châu Âu thông qua các tuyến hàng hải bí ẩn.

Theo Nikkei Asia, trong 6 tháng qua, hàng chục chiếc tàu chở dầu đã rời cảng Nga đi theo khu vực ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, sau đó chuyển dầu sang những chiếc tàu khác. Những chiếc tàu này sau đó được đưa đến các cảng châu Âu. Trong khi đó, vào năm ngoái, chỉ có 1 chiếc tàu hoạt động theo hình thức này.

“Hoạt động chuyển dầu giữa các tàu trên biển để che giấu nguồn gốc có thể đã diễn ra ngay cả khi lệnh cấm vận dầu có hiệu lực”, tờ báo viết. 

Tờ báo tiết lộ thêm rằng, vào ngày 24/8 các phóng viên điều tra của Nikkei đã chụp được bức ảnh cho thấy hoạt động chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác diễn ra ở Vịnh Laconian, gần miền nam Hy Lạp.

Trong đó, một tàu chở dầu được cho là Sea Falcon đã đăng ký tại Hy Lạp, rời cảng Ust-Luga ở Tây Bắc Nga vào ngày 4/8. Chiếc còn lại là tàu Jag Lok mang cờ Ấn Độ, khởi hành từ cảng Aliaga của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng vào ngày đó. Theo báo cáo, một số chiếc tàu nhỏ khác cũng đi cùng 2 chiếc tàu chở dầu lớn này, hỗ trợ việc chuyển dầu.

(Ảnh minh hoạ: RT/TTXVN)
Ảnh minh hoạ: RT/TTXVN

Trong khoảng thời gian 6 tháng tính đến ngày 22/8/2022, Nikkei xác nhận rằng có 175 tàu vận chuyển dầu sang tàu khác ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, trong đó có cả tàu chở dầu tư Nga. Cùng thời gian này năm ngoái, chỉ có 9 hoạt động vận chuyển dầu kiểu như vậy.

Theo số liệu của Refinitv, Nga xuất khẩu ước tính 23,86 triệu thùng dầu thông qua hình thức tàu chuyển tàu theo hình thức này qua khu vực ngoài khơi biển Hy Lạp. Trong cùng kỳ năm ngoái, chỉ có 4,34 triệu thùng dầu được vận chuyển theo hình thức tương tự.

Theo dõi tuyến đường của các con tàu, Nikkei xác nhận 89 tàu chở dầu đã cập cảng ở một số nước thuộc khu vực châu Âu, trong khi năm 2021 chỉ có 3 lượt như vậy. Trong số đó, 41 tàu đến các cảng ở Hy Lạp, Bỉ và các nơi khác ở châu Âu, báo cáo lưu ý 2 tàu chở dầu đã thực hiện ghé cảng ở Anh.

Phân tích nhấn mạnh vùng biển gần Hy Lạp có vai trò quan trọng như khu vực trung chuyển dầu giữa Nga và châu Âu.

EU dự kiến cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu Nga qua đường biển từ ngày 5/12 tới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), xuất khẩu dầu Nga sang EU trong tháng 7 đạt 2,8 triệu thùng/ngày, giảm 26% so với hồi tháng 1.

Dù việc mua dầu của Nga ở thời điểm hiện tại vẫn hợp pháp, các doanh nghiệp châu Âu đang xem xét lại mối quan hệ của họ với phía đối tác Nga trong bối cảnh chịu sự giám sát của thị trường cũng như các chính phủ.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc