Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk đề nghị Bộ Y tế bổ sung vắc xin phòng COVID-19

10:35, 17/09/2021

Ngày 15-9, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị Bộ Y tế quan tâm, bổ sung vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 cho tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, từ nguồn vắc xin Bộ Y tế đã phân bổ, tỉnh đã tổ chức tiêm cho khoảng 150.000 người/1.366.000 đối tượng đích, trong đó có trên 97.000 người được tiêm 1 mũi vắc xin (đạt tỷ lệ 7,11%), khoảng 53.000 người được tiêm 2 mũi vắc xin (đạt tỷ lệ 3,86%). 

Tiêm vắc xin cho đối tượng ưu tiên tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Tiêm vắc xin cho đối tượng ưu tiên tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh minh họa: Kim Hoàng.

Tuy nhiên, so với Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021 - 2022 của Bộ Y tế, tỷ lệ đối tượng được tiêm vắc xin của tỉnh còn thấp. Trong khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh hiện đang có diễn biến phức tạp, nhất là tại các buôn dân tộc thiểu số do phong tục tập quán sinh hoạt cộng đồng, ý thức tự bảo vệ trong phòng, chống dịch bệnh chưa cao. Do đó, đây là một trong những đối tượng chính sách xã hội cần được tiêm chủng kịp thời để kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk vẫn đang còn khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, vật tư y tế còn thiếu thốn, năng lực điều trị bệnh của tỉnh còn hạn chế. Ngoài ra, tỉnh có số lượng người dân, người lao động trở về từ vùng dịch từ các tỉnh phía Nam khá lớn với gần 100.000 người. Đây cũng là nguyên nhân gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Do đó, việc bổ sung thêm vắc xin phòng COVID-19 cho tỉnh Đắk Lắk là hết sức cần thiết để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng dân cư, giúp nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, sớm ổn định cuộc sống của người dân, đặc biệt đối với nhóm người dễ bị tổn thương, người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn. 


Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.