Multimedia Đọc Báo in

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

14:24, 18/11/2021

Sáng 18-11, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu của tỉnh đến 5 địa phương gồm TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana.

Tham dự hội nghị có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Vinh Tơr; các vị ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, cùng hơn 450 cử tri của 5 địa phương.

Các vị ĐBQH tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.
Các vị ĐBQH tham dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.

Tại hội nghị, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo với cử tri kết quả của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã xem xét, thông qua 2 luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến 5 dự án luật khác; thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác phòng, chống dịch COVID-19; chương trình, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề quan trọng khác… 

Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia 46 lượt ý kiến phát biểu tại các cuộc thảo luận tổ; tham gia 4 lượt phát biểu ý kiến và 5 lượt chất vấn, tranh luận trực tiếp tại hội trường với nội dung chủ yếu liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ cho khu vực Tây Nguyên; công tác đổi mới giáo dục, đặc biệt là vấn đề đổi mới sách giáo khoa; các giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai…

Cử tri tại điểm cầu TP.Buôn Ma Thuột nêu ý kiến tại hội nghị.
Cử tri tại điểm cầu TP.Buôn Ma Thuột nêu ý kiến tại hội nghị.

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các nội dung như: Tiếp tục tăng cường triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, song song với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; đề ra các giải pháp căn cơ hơn nữa để bình ổn giá, ổn định thị trường và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trước ảnh hưởng của dịch COVID-19; có cơ chế, chính sách về nhà ở cho công dân, người lao động địa phương đi làm việc ở các thành phố lớn để công dân yên tâm lao động, sản xuất; tạo điều kiện ưu tiên về việc làm, vay vốn phát triển sản xuất cho lao động từ vùng dịch trở về địa phương; quan tâm đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông trong đô thị và các xã do hiện nay một số đoạn đường đã xuống cấp trầm trọng; kiểm tra, giám sát các nguồn vốn đầu tư công và công tác đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế và giáo dục.

Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục đảm bảo chất lượng và nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn; chấn chỉnh tình trạng "loạn" quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo các loại thực phẩm chức năng; có quy định hợp lý về tuyển dụng, bố trí công chức cấp xã; giám sát việc triển khai chế độ phụ cấp cho cán bộ thôn, buôn; tiến độ triển khai công tác cấp căn cước công dân; kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn…

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Vinh Tơr ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng thời trực tiếp giải trình, làm rõ một số nội dung cử tri quan tâm phản ánh. Đối với những ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, địa phương, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các đơn vị có liên quan nghiêm túc tiếp thu, rà soát, kiểm tra lại để sớm trả lời, giải quyết cho cử tri. Những ý kiến, kiến nghị vượt thẩm quyền giải quyết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ để phản ánh đến Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương trong kỳ họp tới.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.