Công an TP. Buôn Ma Thuột : Gửi thư mời người dân làm căn cước công dân gắn chíp điện tử
Công an TP. Buôn Ma thuột cho biết, qua rà soát, hiện còn nhiều công dân cư trú trên địa bàn thành phố chưa được cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử.
Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của công dân, Công an TP. Buôn Ma Thuột đã có thư mời công dân đang cư trú trên địa bàn thành phố và công dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn thành phố nhưng hiện cư trú tại các địa phương khác khẩn trương liên hệ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP. Buôn Ma Thuột hoặc Công an phường, xã nơi có hộ khẩu thường trú để được hướng dẫn, hỗ trợ làm CCCD gắn chíp điện tử.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Công an tỉnh, Công an TP. Buôn Ma Thuột đã và đang triển khai thực hiện chiến dịch cao điểm cấp CCCD gắn chíp cho công dân cư trú trên địa bàn từ ngày 15/7 đến 25/9/2022; phục vụ liên tục từ 7h hằng ngày cho đến khi hết công dân (kể cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ). Hiện có 4 điểm cấp CCCD bao gồm: 1 điểm cố định tại Bộ phận Một cửa UBND thành phố, 3 điểm cấp lưu động tại 21 xã, phường.
Thư mời công dân làm CCCD gắn chíp điện tử của Công an TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo quy định của pháp luật thì CCCD gắn chíp điện tử mang lại rất nhiều lợi ích, tiện ích so với Chứng minh nhân dân (CMND), CCCD loại cũ (mã vạch). Căn cước công dân gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, cho phép tích hợp đầy đủ dữ liệu như: thông tin bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng…, phòng tránh được việc làm giả các loại giấy tờ liên quan, đồng thời số CMND cũ đã được lưu trong chip và mã QR in trên bề mặt thẻ CCCD gắn chíp. Ngoài ra, Luật Cư trú quy định từ ngày 31/12/2022, việc quản lý cư trú của công dân sẽ được cơ quan công an chuyển từ thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng số hóa, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và số định danh cá nhân.
Việc sử dụng CCCD gắn chíp có ý nghĩa rất quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính giúp công dân thực hiện các giao dịch hành chính trở nên đơn giản, tiện lợi hơn, người dân khi sử dụng CCCD gắn chíp thì không cần mang theo và xuất trình các giấy tờ liên quan khi đi khám chữa bệnh và thực hiện các giao dịch với cơ quan Nhà nước, ngân hàng, bảo hiểm, Công an… Qua đó, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc