Huyện Ea H’leo: Đồng hành với phụ nữ khởi nghiệp
Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp của phụ nữ huyện Ea H’leo đã được sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện. Từ phong trào, nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, tạo ra nguồn thu nhập cải thiện đời sống cho nhiều hội viên…
Những năm trước đây, chị Võ Thị Nhẫn (ở thôn 5, xã Ea Khal) chỉ trồng tiêu. Do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên tiêu chết hàng loạt, thêm vào đó, giá tiêu cũng xuống thấp khiến kinh tế gia đình chị Nhẫn gặp nhiều khó khăn.
Chị Võ Thị Nhẫn (bên phải) ở thôn 5, xã Ea Khal giới thiệu với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã về mô hình trồng cà phê xen sầu riêng. |
Nhận thấy bản thân còn thiếu kiến thức trong phát triển kinh tế hộ gia đình, chị Nhẫn đã tham gia nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ phát triển kinh tế do các cấp hội tổ chức. Được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị quyết tâm chuyển đổi vườn tiêu bị bệnh sang trồng cà phê bền vững, xen sầu riêng kết hợp chăn nuôi heo lấy thịt, vừa tăng thêm thu nhập, cũng như tận dụng nguồn phân chuồng để làm phân bón cho vườn cà phê. Nhờ phát triển mô hình đa cây, đa con mà gia đình chị Nhẫn có thu nhập ổn định khoảng 400 triệu đồng/năm.
Làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh được gần 5 năm thì dịch COVID-19 bùng phát, đời sống gặp rất nhiều khó khăn nên chị Đàm Thị Lệ (ở thôn 9, xã Cư Mốt) quyết định trở về quê hương. Do không có đất canh tác nên chị Lệ chỉ làm thuê để kiếm sống. Đến cuối năm 2021, được sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị Lệ quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề làm tranh giấy xoắn.
Vốn không khéo tay, thời gian đầu nhiều sản phẩm bị trả về, nhưng chịu khó, cần mẫn, sau 2 tháng, chị Lệ đã thành thạo việc xếp giấy xoắn ghép tranh. Chị Lệ cũng thường xuyên kết nối với các cấp hội phụ nữ để tìm thêm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, bình quân mỗi tháng chị kiếm thêm từ 9 - 10 triệu đồng từ nghề làm tranh giấy xoắn; bên cạnh đó, chị còn giới thiệu và hướng dẫn thêm cho 5 chị em cùng làm. Chị Lệ chia sẻ, sau hơn một năm gắn bó với công việc, nghề này đã giúp chị có thu nhập khá ổn định. Bản thân chị cũng mong muốn phát triển thành cơ sở để giúp chị em trong thôn có việc làm, tăng thêm thu nhập.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Tir trao vốn khởi nghiệp cho hội viên. |
Có thể thấy, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa khi muốn khởi nghiệp đều gặp nhiều vấn đề về tài chính, kiến thức kinh doanh, thị trường đầu ra... Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea H’leo đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động đồng hành với phụ nữ khởi nghiệp. Theo đó, Hội đã tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp vào tháng 3 hằng năm. Trong năm 2022, Hội đã hỗ trợ 181 triệu đồng cho 23 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trao 390 triệu đồng vốn khởi nghiệp cho 12 hội viên… Mặt khác, để tạo thêm nguồn vốn cho hội viên khởi nghiệp, Hội đã chủ động kết nối với các hội, quỹ thiện nguyện trong cả nước. Đơn cử như Quỹ Tâm nguyện Việt (TP. Hồ Chí Minh) đã hỗ trợ 400 triệu đồng cho 20 phụ nữ huyện vay vốn khởi nghiệp, không lãi suất trong thời hạn 2 năm.
Bà Mai Thị Mỵ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea H’leo cho biết, hoạt động kết nối với các tổ chức hội, quỹ… ngoài việc hỗ trợ về tài chính, còn nhằm mục đích tìm đầu ra cho các sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục chú trọng các hoạt động đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát huy thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp đặc thù địa phương; đồng hành với hội viên phụ nữ trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Gia Bảo
Ý kiến bạn đọc