Multimedia Đọc Báo in

Dệt thổ cẩm dưới chân nhà cộng đồng

06:57, 19/09/2021

Bất kể thời gian nào, hễ rảnh rỗi là một số chị em trong buôn lại tập trung dưới chân Nhà văn hóa cộng đồng buôn Lê (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) để thỏa niềm đam mê dệt thổ cẩm truyền thống.

Hơn chục năm nay, nhiều bà con, các mẹ, các chị ở buôn Lê vẫn miệt mài ngồi bên khung dệt để dệt những tấm vải với nhiều hoa văn, họa tiết dưới chân Nhà văn hóa cộng đồng của buôn.

Chị H'Bung Long Ding chia sẻ, chị biết đến nghề dệt thổ cẩm nhờ lớp đào tạo nghề do Hội Phụ nữ thị trấn tổ chức từ hơn 10 năm trước. Từ nhỏ, chị cũng được làm quen với khung dệt qua mẹ mình, nhưng cứ học rồi lại quên. Lớn lên lấy chồng, sinh con, công việc nương rẫy chi phối, bẵng đi một thời gian dài chị quên các bước sơ đẳng của nghề se chỉ dệt vải.

Sau đó, khi được tham gia lớp học nói trên, được chỉ dạy tận tay từng bước để tạo nên một sản phẩm thổ cẩm truyền thống, chị dần lấy lại đam mê. Giờ đây, hễ rảnh lúc nào là chị lại ra Nhà văn hóa cộng đồng buôn Lê lúc ấy với hội chị em trong buôn để cùng dệt vải. Người biết nhiều chỉ người biết ít, cứ thế tay nghề mỗi ngày càng được nâng cao.

Phụ nữ dệt vải dưới chân Nhà văn hóa cộng đồng buôn Lê (ảnh chụp vào thời điểm chưa bùng phát dịch COVID-19).

Chị H'Rum Êung là một trong những người thành thạo nghề dệt từ nhiều năm nay nhờ những buổi đến Nhà văn hóa cộng đồng buôn Lê để học hỏi. Chị H'Rum tâm sự: “Để có thể hoàn thành một chiếc váy thổ cẩm, một bộ khố trong vòng 10 - 15 ngày như hiện tại, mình đã trải qua một thời gian dài khổ luyện. Nghề dệt đòi hỏi sự tỉ mẩn trong từng sợi chỉ nên người thợ phải thật sự đam mê mới không bỏ cuộc giữa chừng. Những ngày đầu tập dệt, mình toàn ngồi sai tư thế, rồi dệt sai, may mắn có cô em gái theo sát sửa từng tí một nên dần rồi quen. Sản phẩm đầu tay mình phải mất hơn một tháng mới hoàn thành, giờ vẫn cất làm kỷ niệm”.

Cũng theo chị H'Rum, nhờ việc giăng khung dệt vải ở dưới chân Nhà văn hóa cộng đồng của buôn mà chị em nơi đây mới có thể học hỏi được kinh nghiệm lẫn nhau. Nhờ vậy, mỗi lần dệt vải lỡ có sai chi tiết nào đó sẽ được những chị em khác điều chỉnh, sửa lỗi ngay nên hầu hết sản phẩm làm ra đều ưng ý.

Trong khi đó, chị H'Bơ HMốc cũng biết và thành thạo nghề dệt từ những buổi đến Nhà văn hóa cộng đồng buôn Lê từ nhiều năm trước. Ban đầu, chị đến và quan sát chị em trong buôn dệt vải là để cho vui. Nhìn nhiều lần riết rồi chị cũng bị cuốn hút bởi những tiếng cọc cạch của thanh luồn qua khung dệt. Cứ thế, mỗi lần đến đây, chị đều xin những người thợ dệt thử một thao tác, dần dần chị cũng quen và bắt đầu đam mê.

Chị H'Bơ chia sẻ, trước đây chị cũng được tham gia lớp dạy nghề dệt tại địa phương, nhưng rồi không duy trì nên quên hết kiến thức. Sau nhiều đợt đến xem chị em trong buôn dệt vải ở Nhà văn hóa cộng đồng buôn, chị mới bắt đầu đam mê. Ngày mới học dệt, dù được chỉ tận tay nhưng làm đi làm lại chị vẫn dệt sai, cũng có lúc đã suy nghĩ sẽ không theo học nữa. Bây giờ, đã thuần thục rồi chị mới thấy nghề dệt này rất ý nghĩa, bởi nó không chỉ thỏa niềm đam mê của bản thân mà còn góp phần giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Chị H'Bơ HMốc miệt mài bên khung dệt dưới chân Nhà văn hóa cộng đồng buôn Lê (ảnh chụp vào thời điểm chưa bùng phát dịch COVID-19).

Từ nhiều năm nay, Nhà văn hóa cộng đồng buôn Lê không chỉ là nơi để tổ chức các sự kiện ở buôn làng mà còn là không gian chung để chị em phụ nữ thỏa với niềm đam mê nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Những buổi trở về đông đủ dưới chân nhà cộng đồng này, chị em có thể học hỏi nhau, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để có thể hoàn thiện nghề dệt và tạo ra sản phẩm đẹp nhất.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.