Hậu phương vững chắc
Chung tay cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh, các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm và người dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa vì cộng đồng, trở thành hậu phương vững chắc cho "cuộc chiến" chống dịch.
Hình ảnh những chiến sĩ áo xanh với chiếc xe công nông tất bật chạy khắp làng trên xóm dưới đã không còn xa lạ với người dân buôn Drao và Ktơng Drun (xã Cư Né, huyện Krông Búk) những ngày qua. Sau khi hai buôn này thực hiện phong tỏa, cách ly y tế với hơn 400 hộ dân, Đoàn xã Cư Né đã nhanh chóng thành lập đội tình nguyện túc trực tại các buôn để hỗ trợ người dân.
Ngoài việc tích cực tuyên truyền, các đoàn viên, thanh niên còn nhận nhiệm vụ tiếp tế nhu yếu phẩm, đi xay xát lúa bắp khi người dân cần và cắt cỏ, cây chuối phân phát cho các hộ chăn nuôi. Một số gia đình phải đi cách ly tập trung, các em nhỏ được giao cho người thân chăm sóc, đội tình nguyện thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ sữa, thực phẩm cho các em và trông coi nhà cửa, cho vật nuôi ăn khi chủ vắng nhà.
“Không nề hà nắng mưa, vất vả, khi người dân cần giúp đỡ là các bạn đoàn viên đều có mặt kịp thời. Nhờ đó, mọi người trong buôn ai nấy cũng yên tâm ở nhà để phòng, chống dịch”, ông Y Đim Mlô (buôn Ktơng Drun) tâm sự.
Đoàn viên xã Cư Né (huyện Krông Búk) vận chuyển nông sản đi xay xát giúp người dân. |
Cùng với lực lượng đoàn viên, thanh niên, hội phụ nữ các cấp cũng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tiếp sức cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và người dân khu cách ly.
Từ ngày 28-8 đến nay, Hội LHPN xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã vận động kinh phí để triển khai thực hiện bếp ăn miễn phí. Hằng ngày bếp ăn của Hội chuẩn bị 300 suất cơm để gửi đến lực lượng làm nhiệm vụ ở 6 chốt trực trên địa bàn xã. Thấy được việc làm ý nghĩa của Hội, nhiều người dân đã chung tay ủng hộ từng bó rau, con cá, giúp những suất cơm trở nên thơm đầy và ấm áp hơn.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Tiến cho biết, để đảm bảo công tác phòng dịch, hằng ngày chỉ có 4 người được phân công nấu nướng, vì vậy các chị em phải tất bật từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối mới xong. Mặc dù vất vả nhưng mọi người đều rất vui vì có thể san sẻ được khó khăn với địa phương.
Thể hiện tấm lòng “tương thân tương ái”, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần, góp sức cùng địa phương san sẻ bớt khó khăn với người dân vùng dịch. Điển hình như đại gia đình bà Đỗ Thị Yêu (thôn Thành Công, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin).
Khi thấy diễn biến dịch bệnh phức tạp trên địa bàn huyện, bà đã vận động con cháu cùng nhau đồng hành để xây dựng “Bếp cơm 0 đồng”. Ban đầu gia đình nấu 100 suất cơm mỗi ngày cho người dân khu cách ly xã Hòa Hiệp, sau đó đại gia đình bà nấu thêm gần 300 suất cho người dân khu cách ly của trung tâm huyện Cư Kuin, xã Dray Bhăng, xã Ea Bhốk.
Trong 15 ngày (từ ngày 1-8 đến 15-8), “Bếp cơm 0 đồng” của gia đình bà Yêu đã tặng hơn 3.000 suất cơm miễn phí. Chưa kể vào chủ nhật hằng tuần, gia đình bà còn nấu xôi, bánh mì bò kho để hỗ trợ bữa ăn sáng cho các khu cách ly.
Song song với "Bếp cơm 0 đồng", đại gia đình bà Yêu còn tổ chức nhiều chuyến thăm, tặng khoảng 17 tấn gạo, 10 tấn rau củ, hơn 300 thùng mì tôm và nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong và ngoài huyện. Mọi chi phí đều do các thành viên trong gia đình đóng góp và thực hiện.
Gia đình bà Đỗ Thị Yêu (huyện Cư Kuin) tất bật chuẩn bị những suất cơm 0 đồng cho người dân khu cách ly. |
Những hoạt động nghĩa tình của các tổ chức, hội, đoàn thể, tấm lòng thảo thơm của các cá nhân trên địa bàn tỉnh đã thực sự trở thành hậu phương vững chắc, điểm tựa tinh thần, tiếp sức cho người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Qua đó, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, cùng đồng lòng vượt qua "cuộc chiến" không tiếng súng này.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc