Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk tập trung bảo vệ thành quả phòng, chống dịch COVID-19

08:14, 14/10/2021

Huyện Lắk là một trong những địa phương có số ca mắc COVID-19 thấp nhất tỉnh tính đến thời điểm hiện tại. Đây là thành quả của sự nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, ngành y tế và sự đồng lòng của người dân trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Kiểm soát chặt vùng giáp ranh

Cuối tháng 6-2021, huyện Lắk ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên có yếu tố dịch tễ trở về từ TP. Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, UBND huyện đã thành lập 3 chốt kiểm soát dịch ở vùng giáp ranh với tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan từ tỉnh ngoài vào.

Lực lượng làm nhiệm vụ tại Khu cách ly tập trung cấp huyện ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk.

Cụ thể, 1 chốt tại xã Krông Nô (Km 87, Quốc lộ 27, buôn Đắk Tro, xã Krông Nô), 1 chốt thuộc địa bàn xã Nam Ka (địa điểm tại buôn Rjai, xã Nam Ka), 1 chốt thuộc địa bàn xã Ea R’bin (địa điểm ở vị trí đầu cầu xã Ea R’bin, thuộc buôn Plao Siêng, xã Ea R’bin). Lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt gồm: Công an huyện; Trung tâm Y tế huyện; lực lượng dân quân tự vệ; các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, đoàn thanh niên… Theo đó, lực lượng làm nhiệm vụ tại 3 chốt này đã kiên trì bám chốt, thực hiện trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện lưu thông theo hướng từ tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng vào địa phận huyện Lắk.

Ông Y Tay Pang Ting, Chủ tịch UBND xã Krông Nô cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về việc phân công lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch trên địa bàn xã, địa phương đã phân công các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của xã để luân phiên phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Công an huyện trực chốt. Do chốt nằm trên tuyến quốc lộ, giáp ranh với nhiều địa phương như xã Quảng Phú (huyện Krông Nô), xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong, thuộc tỉnh Đắk Nông); xã Đạ Rsal và xã Đầm Ròn (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) nên số lượng người qua lại khá lớn.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 350 - 400 lượt người và phương tiện lưu thông qua đây. Phương châm “4 tại chỗ” luôn được địa phương phát huy nên đã kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, góp phần ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài vào địa bàn trong thời gian qua. Từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 10-2021, dù tình hình dịch tại đây đã được khống chế song địa phương vẫn duy trì 3 chốt kiểm soát dịch này để bảo vệ “vùng xanh” về phòng, chống dịch.

Bí thư Huyện ủy Lắk Võ Ngọc Tuyên trò chuyện, thăm hỏi lực lượng làm nhiệm vụ tại khu phong tỏa thuộc xã Đắk Liêng vào hồi tháng 7-2021.

Ứng biến nhanh với tình hình

Từ đầu tháng 10-2021, số lượng công dân từ các tỉnh thành phía Nam trở về địa phương khá lớn nên diễn biến dịch bệnh rất khó lường. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Lắk đã chỉ đạo các xã, thị trấn nhanh chóng kích hoạt các khu cách ly tập trung cấp xã.

 

Tính đến chiều 13-10, huyện Lắk có 23 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 12 trường hợp đã được chữa trị khỏi bệnh, 11 trường hợp mắc mới đều có yếu tố dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam.

Theo đó, từ ngày 3-10, khu cách ly ở 11 xã, thị trấn đều được kích hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu cách ly tập trung của công dân trở về từ vùng dịch. Trong ngày 5-10, khi lượng công dân trở về nhiều hơn, UBND huyện đã chỉ đạo ngành giáo dục huyện tạm dừng việc dạy và học ở bậc mầm non để lấy cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đến sáng 8-10, toàn huyện có 29 khu cách ly tập trung cấp xã được kích hoạt ở 13 trường học bậc mầm non và 16 nhà văn hóa thôn, buôn. Tính đến ngày 13-10, toàn huyện có gần 1.200 người trở về từ vùng dịch hiện đang cách ly tại nhà và khu cách ly ở các xã, thị trấn. Đối với những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 (F1) thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung cấp huyện, cơ sở vật chất do một hộ dân cho mượn tại thị trấn Liên Sơn.

Là một trong những địa phương có số lượng công dân trở về từ các tỉnh phía Nam nhiều, xã Yang Tao đã kích hoạt các nhà văn hóa cộng đồng và 3 điểm trường mẫu giáo để làm nơi cách ly tập trung. Hiện có hơn 200 công dân đang chấp hành cách ly tại các điểm này.

Bà H’Loan Uông, Chủ tịch UBND xã Yang Tao thông tin, tính đến ngày 13-10 toàn xã có trên 300 công dân trở về từ vùng dịch, ngoài việc chuẩn bị kỹ cơ sở cách ly tập trung, địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, vận động bà con tại địa phương tuân thủ quy định phòng, chống dịch, đặc biệt đối với những gia đình có con em trở về từ vùng dịch ở các tỉnh phía Nam trong thời gian gần đây. Cùng với đó, hoạt động kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ suất ăn miễn phí cho công dân ở khu cách ly tập trung cũng được triển khai kịp thời, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình của họ.

Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch qua địa bàn xã Ea R'bin, huyện Lắk.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Lắk Nay Y Phú, để giữ được thành quả về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện trong thời gian qua, ngoài quyết tâm của chính quyền địa phương các cấp, lực lượng chức năng thì vai trò đồng hành của toàn thể cán bộ, nhân dân huyện Lắk là rất lớn.

Đơn cử như hồi đầu tháng 8-2021, trên địa bàn xã Yang Tao, bà con 6 buôn gồm Dơng Bắk, Yôk Đuôn, Cuôr Tak, Cuôr, Drung và Bhôk đã đoàn kết, đồng lòng chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch khi địa bàn ghi nhận 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Hay như mới đây, dù tỉnh quy định trường hợp công dân trở về từ vùng dịch đã tiêm 1 hoặc đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 thì cách ly tại nhà, song một số gia đình đã chủ động xin địa phương cho con em mình được cách ly tập trung để bảo đảm an toàn cho người thân trong gia đình và cộng đồng.

Tuyết Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.