Multimedia Đọc Báo in

Nhiều “vướng mắc” trong thực hiện Nghị định 39

08:50, 16/02/2023

Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, ngày 27/4/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS) khi sinh con đúng chính sách dân số (gọi tắt là Nghị định 39) đã triển khai trên địa bàn tỉnh gần 8 năm qua nhưng đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chậm cấp kinh phí thực hiện

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), từ năm 2015 – 2017, toàn tỉnh có hơn 1.600 người được hưởng chính sách theo Nghị định 39 với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người.

Theo Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH, từ năm 2017 các địa phương tự cân đối ngân sách để chi trả cho các đối tượng. Vì vậy, Chi cục DS-KHHGĐ chỉ có nhiệm vụ rà soát, thống kê các đối tượng được hưởng chế độ theo Nghị định 39 để báo cáo Sở Y tế xây dựng dự toán bố trí nguồn ngân sách phân bổ về địa phương thực hiện.

Từ năm 2021, Chi cục DS-KHHGĐ đã quản lý, thu thập thông tin để báo cáo lên Sở Y tế chuyển ngân sách về địa phương thực hiện nghị định. Cụ thể, năm 2021, Chi cục rà soát có 2.486 người thuộc diện được hưởng chính sách nhưng chưa nhận hỗ trợ. Vào tháng 5/2022, đơn vị đã tổng hợp được 3.043 phụ nữ là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ với tổng số tiền gần 6,1 tỷ đồng báo cáo gửi Sở Y tế trình cấp thẩm quyền bố trí kinh phí. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, kinh phí vẫn chưa được cấp để thực hiện.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn tuyên truyền chính sách dân số cho người dân.

Việc cấp kinh phí để triển khai Nghị định 39 chậm khiến các đơn vị thực hiện chính sách dân số gặp không ít khó khăn. Ông Tô Văn Đích, Trưởng Phòng DS–KHHGĐ (Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn) cho hay, đơn vị đã rất nỗ lực  tuyên truyền về Nghị định 39, chính sách dân số vào đời sống. Song đến nay, huyện vẫn chưa được cấp 874 triệu đồng cho 437 đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 39. Việc không có kinh phí hỗ trợ khiến công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ sinh đẻ có kế hoạch gặp không ít khó khăn.

Bà H’Bê Niê, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS–KHHGĐ cho biết, Nghị định 39 ra đời đã hỗ trợ việc thực hiện chính sách dân số ở địa phương hiệu quả bởi người dân được hưởng thêm quyền lợi, giúp đảm bảo sức khỏe, phát triển kinh tế và nuôi dạy con tốt. Đây là một chính sách nhân văn nhưng kinh phí cấp về chậm trễ khiến việc triển khai gặp khó khăn. Với một tỉnh có đông người dân tộc thiểu số như Đắk Lắk, đối tượng thuộc diện hưởng chính sách theo Nghị định 39 khá nhiều, vì vậy rất mong cấp, ngành tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đảm bảo chính sách của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống.

Khó thu hồi kinh phí hỗ trợ

Tại điểm 3, Ðiều 2 của Nghị định 39 quy định: “Ðối tượng thụ hưởng phải tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ”. Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, từ khi thực hiện nghị định này đến nay có 51 trường hợp vi phạm đã có quyết định thu hồi với số tiền 102 triệu đồng, nhưng chưa thu hồi được.

Chị Lại Thị Oanh, viên chức dân số Trạm Y tế xã Đắk Phơi (huyện Lắk) chia sẻ, năm 2022 địa phương đã rà soát 45 trường hợp thực hiện đúng chính sách dân số báo cáo lên huyện đợi kinh phí cấp để ra quyết định nhận tiền. Tuy nhiên, từ đợt nhận tiền hỗ trợ giai đoạn 2015 - 2017 đến nay đã có 5 trường hợp vi phạm sinh thêm con thứ ba. Các cán bộ y tế đã cố gắng thu hồi tiền hỗ trợ nhưng chỉ thu được 1 hộ, còn lại chưa thu được do các hộ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, số tiền hỗ trợ đã tiêu hết. Thế nhưng, nếu không kiên quyết thu hồi khoản tiền đã hỗ trợ sẽ rất khó tuyên truyền những đối tượng khác.

Cộng tác viên dân số huyện Lắk (bên phải) tuyên truyền chính sách dân số cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Theo bà H’Bê Niê, nguyên nhân vi phạm cam kết không sinh thêm con trái với chính sách dân số là do nhận thức của người dân về các chế độ chính sách của Nhà nước chưa cao; đối tượng là người có bệnh lý về thần kinh, trong quá trình rà soát lại không phát hiện ra; nhiều người đã có một con trai, hiện đang mang thai lần hai cũng con trai nên muốn sinh thêm con gái theo phong tục mẫu hệ; muốn sinh con thứ ba vì sinh con một bề; chịu áp lực từ gia đình dòng tộc phải sinh thêm con… Các trường hợp vi phạm đa số là hộ nghèo, khi vi phạm chính sách dân số không có khả năng hoàn trả gây thêm khó khăn, áp lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của cán bộ, cộng tác viên dân số.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn trong thực hiện Nghị định 39 như có một số đối tượng đáp ứng đủ các điều kiện được hỗ trợ chính sách nhưng không làm cam kết, không nhận kinh phí hỗ trợ (vì vẫn muốn sinh thêm con). Một số đối tượng tại thời điểm rà soát lập danh sách đề nghị hỗ trợ thì đủ tiêu chuẩn, nhưng khi thẩm định để cấp tiền lại không đủ tiêu chuẩn vì nhiều lý do (không còn là hộ nghèo, đã chuyển sang hộ cận nghèo hoặc thoát nghèo hoặc có thai con thứ ba, chuyển đi huyện khác...). Vì vậy, Chi cục DS–KHHGĐ mong muốn chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ tốt về mặt thủ tục hành chính, chính sách đối với các đối tượng là hộ nghèo (bổ sung hộ khẩu, giấy kết hôn, giấy khai sinh, sổ hộ nghèo kịp thời và quản lý nhân khẩu). Đồng thời cần hướng dẫn xử lý kinh phí thu hồi của các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đã nhận tiền nhưng vi phạm cam kết không sinh thêm con, trái với chính sách dân số.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc