Cào hến ở hồ buôn Joong
Một ngày đầu tháng 5/2023, chúng tôi đến hồ buôn Joong (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) giữa lúc Tây Nguyên đang đỉnh điểm của đợt nắng nóng. Nhiệt độ theo dự báo của nhà đài ngày hôm đó lên đến 37 - 38 độ C. Nắng cháy da cháy thịt.
Buôn Joong là hồ chứa thủy lợi lớn nhất huyện Cư M’gar, được đưa vào sử dụng năm 2006. Theo người dân địa phương, từ khi vận hành cho đến nay, hồ này chưa bao giờ thiếu nước dù là vào thời điểm nắng hạn nhất. Công trình luôn đảm bảo lượng nước tưới tiêu cho hơn 3.000 ha đất canh tác thuộc các xã Ea Kpam, Quảng Tiến, Ea Tul, Cư Suê, Ea M’nang, thị trấn Quảng Phú, Ea Pốk và một số xã của huyện Buôn Đôn.
Năm nay nắng nóng kéo dài, bắt đầu từ cuối tháng 3 dương lịch. Hồ buôn Joong vì thế phải làm nhiệm vụ xả nước để cứu hoa màu và cây công nghiệp đang trong cơn khát cháy bỏng nơi miền hạ du. Đó chính là cơ hội hiếm hoi để hôm nay chúng tôi có được cuộc trải nghiệm thú vị: cào hến hồ Joong, ở nơi tưởng chỉ có nắng, gió và đất đỏ bazan.
Cào hến ở hồ buôn Joong. |
Nước hồ mênh mông trải dài năm bảy cây số đang vơi dần. Những bãi bồi ven hồ lộ ra, phơi mình dưới cái nắng gay gắt. Đấy cũng là lúc xung quanh lòng hồ buôn Joong bắt đầu nhộn nhịp cảnh người dân kéo nhau đến đây để cào hến.
Hến ở Tây Nguyên không hiếm, người ta có thể mò bắt ở các khe suối nhưng lượng hến thu được không nhiều. Kể cũng lạ, cứ tưởng con vật bé mọn làm nên món ăn dân dã, thanh mát, giải nhiệt giữa ngày hè nóng bỏng ấy chỉ có ở dưới xuôi, ai dè nó cũng cư ngụ đông đúc ở những hồ nước do bàn tay con người tạo ra nơi miền đất đỏ cao nguyên đầy nắng gió.
Khi chúng tôi đến hồ buôn Joong, đã thấy rất nhiều người dân đang cặm cụi cào hến. Họ đến đây từ sáng sớm với dụng cụ đánh bắt đơn giản: chiếc cào tự chế, vài ba cái rổ nhựa, xô chậu, bao đựng. Chúng tôi tới bãi lúc chín giờ hơn vậy mà đã có người bắt được đầy bao tải hến. Một chị trong nhóm cho biết, vợ chồng chị có mặt tại đây từ rất sớm, chỉ sau vài tiếng đã thu được một bao rưỡi hến. Giá mỗi kg hến vỏ tươi từ 5.000 – 7.000 đồng. Mỗi ngày, vợ chồng chị đánh bắt được khoảng vài tạ. Hến đầy bao, cậu con trai có nhiệm vụ chở ngay bằng xe máy đi bỏ mối. Mùa cào hến, chịu khó làm cũng kiếm được ít tiền, góp phần trang trải chi tiêu hằng ngày trong gia đình.
Hơn mười giờ trưa, nắng càng gắt. Thấy lượng hến trong bao đã hòm hòm, chúng tôi quyết định dừng “cuộc chơi”. Nhìn ngược nhìn xuôi, nhiều người vẫn đang mải miết cào xúc mặc nắng chiếu thẳng trên đỉnh đầu nóng rát.
Tôi nhìn quanh một lượt bỗng phát hiện ra điều lạ. Rất nhiều cây dại - có lẽ là cây mắc cỡ vì xung quanh bờ hồ mọc đầy loài cây này - bị chết khi hồ ngập nước. Giờ nước rút, chúng chỉ còn trơ phần gốc dài độ gang tay. Xung quanh những gốc cây chỉ to bằng chiếc đũa ấy, có hàng trăm con vật bé tí ti kết thành khối lùm lùm, nhìn từ xa trông giống như những chùm rạ tí hon nơi đồng chiêm trũng xưa sau mùa gặt. Chúng bám chắc đến nỗi rất khó gỡ ra bằng tay. Hỏi ra mới biết, đấy là những con trai, con chụt bé nhỏ sống quần tụ nơi gốc cây chìm sâu trong lòng hồ. Chẳng hiểu sao khi nước rút, phơi mình giữa thanh thiên bạch nhật mà chúng vẫn bám chặt với nhau thành khối như vậy?
Tôi gỡ mấy chùm, vứt ra chỗ nước sâu, hi vọng những con vật bé tí ấy sống sót, và nay mai chúng sẽ là những con trai, con chụt trưởng thành, bạn cùng họ hàng nhà hến đang không ngừng sinh sôi, nảy nở để mùa sau, người Ea Kpam, tôi và những ai ưa thích món ăn dân dã này lại về với hồ Joong cào hến giữa cái nắng hè cao nguyên gay gắt.
Nguyễn Duy Xuân
Ý kiến bạn đọc